Kỹ Thuật Thủy Sản

Cá nuôi trên vịnh Vân Phong: Bị chết nhiều do nhiễm bệnh

01/11/2023

Thời gian qua, người dân huyện Vạn Ninh nuôi cá biển bằng lồng bè trên vịnh Vân Phong bị thiệt hại nặng khi cá nuôi bị nhiễm bệnh chết nhiều, thậm chí nhiều hộ tỷ lệ hao hụt lên đến 70 - 80%. Với tình trạng này, các cơ quan chức năng đã có nhiều khuyến cáo đến người nuôi để giảm thiểu thiệt hại.

Cá chết do nhiễm bệnh

Vịnh Vân Phong là một trong những vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè trọng điểm của tỉnh. Các đối tượng nuôi tập trung chủ yếu là tôm hùm, cá biển. Năm nay, người nuôi cá trên vịnh Vân Phong liên tục bị thiệt hại do cá mắc bệnh chết nhiều. Trong đó, nhiều hộ nuôi cá mú và cá bớp bị hao hụt lên đến 70 - 80%. Ông Trần Chiến Hóa - người nuôi cá trên vịnh Vân Phong cho biết: “Cá bớp, cá mú người dân thả nuôi được khoảng 2 tháng thì có triệu chứng lở loét cả vi trên lẫn vi dưới, rồi mù mắt chết dần. Như gia đình tôi thả nuôi gần 4.000 con cá bớp đến nay đã 5 tháng, giờ chỉ còn khoảng 20% số lượng cá trong lồng nuôi; 3.000 con cá mú gia đình thả nuôi tỷ lệ chết cũng lên đến 70%”.

Người dân huyện Vạn Ninh cho ăn, theo dõi tình trạng bắt mồi của cá bớp nuôi
Người dân huyện Vạn Ninh cho ăn, theo dõi tình trạng bắt mồi của cá bớp nuôi.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Chính (ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) chuyên nuôi các loại cá biển trên vịnh Vân Phong cũng bị thiệt hại nặng nề do cá bớp chết hàng loạt. Ông Chính cho biết, từ giữa năm nay, gia đình ông thả nuôi 80.000 con cá bớp giống nhưng đã bị hao hụt dần; hiện nay chỉ còn 8.000 con, ước thiệt hại hơn 800 triệu đồng tiền giống, chưa kể chi phí thức ăn và công chăm sóc. “Chưa bao giờ cá nuôi của gia đình tôi bị hao hụt nhiều như năm nay. Tôi không rõ nguyên nhân cá chết là do con giống kém chất lượng hay là do môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm. Nhưng cá bị chết đều có triệu chứng lở loét và lồi mắt. Mặc dù tôi đã áp dụng điều trị bệnh cho cá theo kinh nghiệm song tình hình không thuyên giảm, thậm chí cá nuôi đạt trọng lượng từ 1 đến 3kg cũng bị chết với triệu chứng lở loét”, ông Chính nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, hiện nay, toàn huyện có 4.399 lồng nuôi các loại cá biển, như: Cá bớp, cá mú và cá chim vây vàng. Đây là những loại cá có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Thời gian qua, cá biển nuôi trên địa bàn xuất hiện các loại bệnh, như: Bệnh xuất huyết, lở loét; bệnh đường ruột; bệnh do ký sinh trùng gây ra… Trong đó, bệnh xuất huyết, lở loét thường xảy ra vào thời điểm thời tiết biến động nhiều làm cho cá nuôi lồng bè bị chết, gây thiệt hại đối với người nuôi trên địa bàn.

Cần tuân thủ khuyến cáo

Theo thông tin từ Trạm Chăn nuôi và Thú y Vạn Ninh, nguyên nhân gây bệnh xuất huyết, lở loét trên cá nuôi ở huyện Vạn Ninh là do vi khuẩn Vibrio sp gây ra. Bệnh này thường xuất hiện ở những nơi nuôi lồng bè với mật độ dày, đã hình thành nhiều năm và môi trường nguồn nước bị ô nhiễm, kết hợp thời tiết nắng nóng. Những điều kiện ấy làm cho vi khuẩn có hại bùng phát, làm cá chết. Khi cá bị nhiễm bệnh sẽ có dấu hiệu giảm ăn, bỏ ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước; thân cá bị lở loét, hoặc xuất huyết, da cá sậm màu. Nếu cá bị nặng thì vết lở loét rộng và sâu, vây nhợt nhạt. Khi các tác nhân như nấm, protozoa (động vật nguyên sinh), ký sinh trùng tấn công vết loét làm cho bệnh nặng thêm khiến cá chết nhanh hơn.

Để phòng bệnh, Trạm Chăn nuôi và Thú y Vạn Ninh khuyến cáo người nuôi chọn mua giống nơi uy tín, rõ nguồn gốc; cá giống mua về phải tắm nước ngọt từ 3 đến 5 phút để ngăn chặn mầm bệnh do Vibrio sp gây ra, đồng thời vớt loại bỏ cá con yếu. Trong quá trình nuôi, trong khẩu phần ăn nên bổ sung Vitamin C, còn thời tiết nắng nóng có thể bổ sung thêm chất điện giải giúp cân bằng điện giải trong cơ thể để cá khỏe mạnh. Bên cạnh đó, người nuôi cần giữ môi trường sạch, thông thoáng và vệ sinh lồng bè trước khi thả cá, có thể chạy máy cung cấp ôxy khi trong lồng đứng nước giúp hạn chế cá bị sốc. Ngoài ra, người nuôi cần kiểm tra lồng bè thường xuyên, không để thức ăn dư thừa nhất là sau những đợt mưa lớn hoặc thời tiết thay đổi. Khi phát hiện cá bị bệnh thì phải xử lý kịp thời, không để lây lan thành dịch.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các địa phương bám sát tình hình thực tế, tăng cường việc theo dõi, quản lý vùng nuôi trồng thủy sản; phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành thông tin, cảnh báo đến người nuôi về thời tiết, kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi và dịch bệnh thủy sản để chủ động ứng phó, phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại đối với người nuôi. Tại các vùng nuôi không để tăng số lượng lồng nuôi; hướng dẫn người nuôi quản lý, đảm bảo khoảng cách giữa các bè nuôi để tránh thiệt hại do dịch bệnh… Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động ngăn chặn hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến vùng nuôi, khi phát hiện thủy sản nuôi chết bất thường hoặc bị chết rải rác cần hướng dẫn người nuôi những biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời; không di chuyển lồng bè nuôi nơi có thủy sản chết sang vùng nuôi khác…

HẢI LĂNG

Trích nguồn "Báo Khánh Hòa"

https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202310/ca-nuoi-tren-vinh-van-phongbi-chet-nhieu-do-nhiem-benh-b02372d/