Thông Tin Thị Trường

Cần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP

22/12/2021

Thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP sớm vượt qua khó khăn.

Khó khăn đầu ra


Trong năm 2019 và 2020, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 25 sản phẩm cấp tỉnh của 20 chủ thể đạt từ 3 sao trở lên. Trong số này, sản phẩm dưa lưới Ô Xanh của Công ty TNHH Nông nghiệp thương mại bền vững Diệp Châu (huyện Khánh Vĩnh) đạt 4 sao, 24 sản phẩm còn lại đạt 3 sao như: Sầu riêng, mía tím, bưởi, nấm, xoài, rau, gạo, chả cá…

 

Hội đồng OCOP tỉnh kiểm tra, khảo sát quá trình sản xuất nấm linh chi tại xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa năm 2020.

Hội đồng OCOP tỉnh kiểm tra, khảo sát quá trình sản xuất nấm linh chi tại xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa năm 2020.


Ông Huỳnh Quang Thành - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh cho biết, qua tổng hợp từ các địa phương, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể OCOP. Một số chủ thể phải thu hẹp quy mô sản xuất, chẳng hạn như Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Ninh Quang (thị xã Ninh Hòa) với sản phẩm gạo Ngọc Quang, Hợp tác xã Nấm Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang) với 4 sản phẩm nấm… Khá nhiều sản phẩm bị ứ hàng, khó tiêu thụ. Chẳng hạn như xoài sấy dẻo của Công ty TNHH Topfood (xã Cam Thành Nam - TP. Cam Ranh) có sản lượng 5 tấn thành phẩm/năm, giá bán 320.000 đồng/kg, nhưng năm nay chỉ mới tiêu thụ được 10% sản lượng. Hay như sản phẩm nếp quạ Ninh Đông, gạo thảo dược của Hợp tác xã Nông nghiệp Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa), sản lượng năm nay đạt 20 tấn thành phẩm, nhưng vẫn còn tồn 6 tấn chưa tiêu thụ được.


Qua khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khó khăn về đầu ra dẫn đến việc thu hẹp, tạm ngừng sản xuất trong thời gian khá dài còn khiến hệ thống máy móc, kho tàng phục vụ sản xuất bị hư hao, xuống cấp; các chủ thể phải tốn thêm chi phí để phục hồi sản xuất. Cùng với đó, các chủ thể gặp khó khăn trong việc trả nợ vốn vay, lãi suất ngân hàng.


Hỗ trợ như thế nào


Ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trên cơ sở các cơ chế, chính sách của Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh đã tập trung hỗ trợ các chủ thể phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung rà soát, đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể OCOP; qua đó tổng hợp những khó khăn và đề xuất những giải pháp cần tháo gỡ nhằm giúp các chủ thể OCOP phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.


Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiến nghị Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tham mưu các bộ, ngành có cơ chế chính sách để hỗ trợ các chủ thể sản xuất tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, các đầu mối để tiêu thụ sản phẩm OCOP trên toàn quốc; hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giảm lãi suất cho vay đối với chủ thể OCOP. Đồng thời, tổ chức các chương trình kết nối, giới thiệu nhiều điểm trưng bày sản phẩm OCOP trên toàn quốc nhằm giải quyết đầu ra cho sản phẩm, giúp các chủ thể phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.


HỒNG ĐĂNG

Trích nguồn "Báo Khánh Hòa"

https://baokhanhhoa.vn/doi-song/202112/can-ho-tro-tieu-thu-san-pham-ocop-8238723/