Có tình trạng nhiều công ty không đủ năng lực ký hợp đồng liên kết với người dân trồng mắc ca, sau đó lấy sổ đỏ người dân để thế chấp, vay vốn ngân hàng...
TS Nguyễn Đức Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp phân tích và khuyến cáo phát triển cây mắc ca hiện nay.
Theo TS Nguyễn Đức Kiên, cây mắc ca ở Việt Nam được Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng (nay là Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp, thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam - Bộ NN-PTNT) trồng thử tại Ba Vì (Hà Nội) từ năm 1994, sau đó được trồng khảo nghiệm tại một số nơi khác.
Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp cũng chính là đơn vị đầu tiên nghiên cứu khảo nghiệm giống mắc ca trên cả nước. Kết quả cho thấy, tại 2 vùng Tây Nguyên và Tây Bắc có những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây mắc ca.
Ở Tây Nguyên, nhờ nghiên cứu, khảo nghiệm thành công các giống cây cây mắc ca tốt nên khi đưa vào trồng xen với cây cà phê đã thành công. Cây sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây cà phê vốn là cây trồng chủ lực của Tây Nguyên.
Từ kết quả trồng xen cây mắc ca với cà phê ở Tây Nguyên cho thấy, cây mắc ca không những đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống người dân mà còn thu hút được nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tổ chức sản xuất, chế biến, tăng giá trị sản phẩm.
Thời gian sau đó, cây mắc ca được Bộ NN-PTNT quy định là cây trồng lâm nghiệp chính và đa tác dụng. Cây có tán rậm, thường xanh, hệ rễ phát triển, sống lâu năm, tuổi thọ từ 50 - 60 năm, có tác dụng bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, được trồng với mục đích lấy quả là chính, kết hợp với phòng hộ và bảo vệ môi trường. Đất để trồng cây mắc ca là đất trồng cây lâu năm, đất chưa có rừng thuộc quy hoạch rừng sản xuất và rừng phòng hộ, đất đồi núi chưa sử dụng...