Kỹ Thuật Chăn Nuôi

Dê lai Boer, Bách Thảo 'làm' du lịch

26/08/2024

Khánh Hòa - Dự báo trong tương lai, du lịch nông nghiệp sẽ ngày càng trở nên phổ biến và trở thành lĩnh vực nhiều triển vọng, đa lợi ích.

Mô hình chăn nuôi dê gắn với du lịch sinh thái tại thôn Suối Lau 2, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Mô hình chăn nuôi dê gắn với du lịch sinh thái tại thôn Suối Lau 2, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Hiệu quả bước đầu

Tại TP Nha Trang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NN-PTNT Khánh Hòa vừa tổ chức tọa đàm “Giải pháp phát triển chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái”.

Những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang triển khai một số mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng khoa học công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, cùng với đó lồng ghép, phối hợp thực hiện các hoạt động gắn kết với du lịch. Từ đó, góp phần gia tăng năng xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Trong đó, một số mô hình chăn nuôi tiêu biểu gắn với du lịch sinh thái như: dự án xây dựng mô hình chăn nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Duyên hải Nam Trung bộ, thực hiện trong 3 năm từ 2024 - 2026 tại 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, quy mô 32 cừu đực và 640 cừu cái giống.

Dự án sẽ tổ chức 6 hội nghị sơ kết, tổng kết để tuyên truyền, giới thiệu cho nông dân mô hình chăn nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với du lịch sinh thái để bà con trao đổi, học tập kinh nghiệm.

Đồng thời, bà con nông dân được trao đổi nhiều vấn đề xung quanh các kỹ thuật chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng cừu, chế biến thức ăn, biện pháp phòng trị bệnh hợp lý, tiết kiệm, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết hợp với phát triển du lịch để đạt hiệu quả kinh tế cao. Hay dự án mô hình chăn nuôi dê sinh sản gắn với phát triển du lịch sinh thái triển khai tại 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Bình, Phú Thọ là những địa phương phát triển mạnh về du lịch.

Tại tỉnh Khánh Hòa qua 2 năm triển khai dự án tại 2 huyện Khánh Vĩnh và Cam Lâm đã thu hút 4 hộ tham gia, quy mô 210 con, chủ yếu giống dê lai Boer và dê Bách Thảo. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa, bước đầu cho thấy dự án phù hợp với chủ trương phát triển chăn nuôi của tỉnh và được người dân ủng hộ, nhiệt tình tham gia.

Đàn dê của mô hình tại tỉnh Khánh Hòa sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: KS.

Đàn dê của mô hình tại tỉnh Khánh Hòa sinh trưởng và phát triển tốt. Ảnh: KS.

Với sự hỗ trợ chuyên môn thường xuyên, liên tục của cán bộ kỹ thuật, mô hình đã mang lại hiệu quả cao trong năng suất chăn nuôi, đồng thời mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho các hộ dân.

“Sau hơn 12 tháng nuôi, hiện nay đàn dê giống sinh trưởng và phát triển tốt, dê con sinh ra 98 con, tỷ lệ nuôi sống đến 3 tháng tuổi đạt 92,8%. Dự kiến hiệu quả kinh tế đối với 100 con dê cái sinh sản trong 3 năm thu lại lợi nhuận cho người dân hơn 557 triệu đồng tăng gấp 3,78 lần so với nuôi ngoài mô hình”, ông Sơn chia sẻ.

Hơn nữa, những mô hình đang triển khai đều có những vị trí đắc địa để có thể phát triển du lịch. Điển hình như tại hộ ông Triệu Đức Phấn có diện tích rộng 5ha ở xã Khánh Trung (Khánh Vĩnh), không chỉ làm trại nuôi dê mà còn trồng nhiều loại cây lấy gỗ và cây ăn quả, trồng cỏ nuôi dê. Ông cũng cải tạo vườn đồi xanh tốt, cảnh quan xinh đẹp hơn để tạo dựng môi trường sinh thái, có tiềm năng thu hút khách du lịch. 

Còn trang trại rộng 2 ha của gia đình ông Bách, ở xã Khánh Phú (Khánh Vĩnh) cũng ngày một tươi đẹp hơn bởi những rặng cây cối xanh tươi, có đàn dê nhởn nhơ gặm lá, nô đùa, nhìn rất thích mắt.

Đối với trang trại của 2 hộ ông Nguyễn Xuân Vinh và Nguyễn Văn Mạnh ở thôn Suối Lau 2, xã Suối Cát (Cam Lâm) đều nằm ở khu vực vườn đồi, có suối, cây cối xanh tươi, cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, là những điều kiện lý tưởng để trong tương lai có thể khai thác du lịch sinh thái.

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi gắn với du lịch

Du lịch sinh thái gắn nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi được hiểu là loại hình du lịch, sản phẩm du lịch phục vụ du khách được dựa chủ yếu trên nền tảng của hoạt động, không gian sản xuất chăn nuôi với quan điểm phát triển bền vững về môi trường sinh thái và văn hóa, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia.

Khách du lịch được trải nghiệm, khám phá cuộc sống tại các vùng miền núi, nông thôn sẽ cảm thấy hài lòng, từ đó làm gia tăng các giá trị và thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm chăn nuôi thông qua du lịch.

Ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (cầm mic) cho biết, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục triển khai nhiều mô hình chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái. Ảnh: KS.

Ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (cầm mic) cho biết, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục triển khai nhiều mô hình chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái. Ảnh: KS.

Theo ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, đối với các vùng miền núi của tỉnh có những yếu tố phù hợp phát triển chăn nuôi gia súc nói chung, chăn nuôi dê nói riêng tại những vùng sinh thái có điều kiện khắc nghiệt như nắng nóng, hạn hán,... nơi mà các loài gia súc khác khó có khả năng phát triển.

Do đó, để có giải pháp thúc đẩy chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái, ngành nông nghiệp sẽ tập trung quyết liệt chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, cây trồng phù hợp, có hiệu quả, đồng thời liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm ổn định cho người dân.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp cũng sẽ tăng cường triển khai thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả đã được nông dân áp dụng, nhất là mô hình chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái. Cũng như thường xuyên tuyên truyền, phổ biến và triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị...

Ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, theo định hướng của Bộ NN-PTNT, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ xây dựng thêm một số mô hình chăn nuôi như thỏ, đà điểu hay mô hình chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi trâu gắn với du lịch sinh thái. Từ đó, khi du khách đến với các mô hình chăn nuôi tham quan có những trải nghiệm vui vẻ như vắt bò sữa, cưỡi trâu, cưỡi bò và cưỡi đà điểu… đồng thời giúp cho địa phương và người dân phát triển kinh tế.

Về vấn đề này, theo ông Lịnh, hiện Bộ NN-PTNT rất chú trọng tập trung, do đó, thời gian tới sẽ đưa một số giải pháp về chính sách, quy hoạch phù hợp để làm sao phát triển ngành du lịch nông nghiệp. Đồng thời, đưa ra những mô hình chăn nuôi gắn du lịch hay để cho bà con tham quan học tập. Cũng như sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho bà con, Hợp tác xã, doanh nghiệp về những mô hình trải nghiệm.

“Chúng tôi sẽ đào tạo cho hộ nông dân biết cách chăn nuôi, biết cách làm du lịch, biết cách hướng dẫn du khách thận thiện, từ đó bán được sản phẩm. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến mọi người dân về cách thức làm du lịch, cũng như mô hình hay hiệu quả. Đưa người dân từ vùng này đến vùng khác để học tập kinh nghiệm, từ đó có thể làm được du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng”, ông Lịnh chia sẻ.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, du lịch nông nghiệp là mô hình hiện nay được nhiều nước trên thế giới áp dụng để giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp giải trí, trải nghiệm mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành nông nghiệp và du lịch. Dự báo trong tương lai, du lịch nông nghiệp sẽ ngày càng trở nên phổ biến và trở thành lĩnh vực nhiều triển vọng, đa lợi ích. Từ đó góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, du lịch nông nghiệp, hạn chế khuynh hướng ly hương, thúc đẩy hội nhập và xuất khẩu tại chỗ.

Kim Sơ

Trích nguồn "Báo Nông nghiệp VN"

https://nongnghiep.vn/de-lai-boer-bach-thao-lam-du-lich-d397326.html