Dùng tay bốc một nắm đất rừng ẩm ướt dưới lớp thực bì, ông Hạnh phân tích: “Khu rừng này có sự khác biệt rất rõ so với những khu rừng đốt thực bì sau khai thác. Độ ẩm cao hơn, dưới lòng đất khoảng 4 - 5cm đã thấy giun, dế và hệ sinh vật bản địa. Những gốc cây khai thác ở chu kỳ trước không bị đốt hoặc lấy đi, chúng đã phân hủy gần hết. Đó là nới trú ngụ của nhiều loài vi sinh vật bản địa.
Đi vào những khu rừng được trồng không đốt thực bì có cảm giác mát mẻ hơn, cây to khỏe hơn, đều hơn, năng suất cao hơn và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với thói quen đốt thực bì trước đây”.
Hiện nay, tại Quảng Trị đã xuất hiện nhiều HTX trồng rừng bền vững. Tại hầu hết các HTX này, người trồng rừng đều trồng rừng gỗ lớn, hướng tới việc cấp chứng chỉ FSC và liên kết với một số doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định. Đương nhiên, với việc trồng rừng gỗ lớn hướng tới được cấp chứng chỉ FSC, người dân sẽ phải thay đổi thói quen đốt thực bì sau khai thác rừng.

Vườn keo không đốt thực bì sau khai thác của ông Nguyễn Tài Hạnh (xã viên HTX Thủy Tây, xã Cam Thủy, Cam Lộ, Quảng Trị) sau 10 năm dự kiến đem về nguồn thu trên 400 triệu đồng/ha. Ảnh: Võ Dũng.
Ông Nguyễn Văn Lục, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thủy Đông cho rằng, muốn nghề trồng rừng bền vững và nâng cao hiệu quả thì chuyển từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, rừng FSC là tất yếu. Khi đó, tình trạng đốt thực bì sau khai thác cũng sẽ tự nhiên giảm đi vì đây là điều kiện bắt buộc để rừng được cấp chứng chỉ FSC. Khi rừng được cấp chứng chí FSC, gỗ nguyên liệu mới có cơ hội vươn ra thị trường thế giới và nâng cao giá trị rừng trồng.
“Từ khi trồng rừng gỗ lớn đến nay (từ năm 2014), xã viên HTX Thủy Đông đã không đốt thực bị sau khai thác. Điều đó giúp năng suất bình quân trong chu kỳ rừng gỗ lớn tăng lên 20 - 30 tấn/ha. Nhưng theo quan điểm của tôi, việc khai thác rừng nên thực hiện vào mùa mưa, dù khó nhưng khi đó lá dễ rụng, hữu cơ dễ phân hủy hơn, không gây khó cho việc trồng lại. Tuy nhiên, để khai thác vào mùa mưa thì đường lâm sinh phải được đầu tư đáp ứng nhu cầu. Đó là một trong những cái khó hiện nay”, ông Lục chia sẻ.
Ông lê Tài Hạnh, xã viên HTX Thủy Tây (xã Cam Thủy) lại có sáng kiến, sau khi khai thác rừng, cần xới đều một phần đất rừng để vật liệu hữu cơ nằm dưới lớp đất mặt vừa nhanh phân hủy lại giữ được độ ẩm cho cây. Việc làm này tuy tốn tiền cải tạo đất nhưng sẽ giúp cây sinh trưởng, phát triển nhanh".