Qua gần 4 năm thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) liên quan đến cảnh báo “thẻ vàng” về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), tại Khánh Hòa đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Địa phương đang khẩn trương khắc phục một số vấn đề còn tồn tại để tiến tới cuối năm nay chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm trong chống khai thác IUU.
Nhiều kết quả tích cực
Gần 4 năm qua, nhận thức của ngư dân tỉnh đã có nhiều chuyển biến trong việc thực hiện các quy định về chống khai thác IUU. Các chủ tàu, thuyền trưởng đã tuân thủ nghiêm túc việc khai báo khi tàu rời cảng và cập cảng lên cá, mang đầy đủ các giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng; trong quá trình khai thác trên biển đã chú trọng việc ghi chép nhật ký khai thác, khi về bờ khai báo đầy đủ... Đặc biệt, ngư dân Khánh Hòa đã tuyệt đối tuân thủ việc không vi phạm vùng biển nước ngoài trong quá trình khai thác trên biển, từ tháng 10-2018 đến nay không tàu cá nào vi phạm.
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Khánh Hòa đã triển khai quyết liệt các biện pháp và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được các đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao. Đến thời điểm này, công tác chống khai thác IUU, khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thiện. Bên cạnh chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của ngư dân, các khuyến nghị của EC liên quan đến thể chế, tổ chức bộ máy, quản lý tàu cá, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản đều được tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Những vấn đề cần khẩn trương giải quyết
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chậm nhất cuối năm nay phải chất dứt tình trạng tàu cá vi phạm trong chống khai thác IUU, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến ngư dân các địa phương ven biển, khu vực có nghề cá trọng điểm để chủ tàu, ngư dân, các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện quy định; hướng dẫn ngư dân nắm biết ranh giới vùng biển Việt Nam và các nước để không vi phạm vùng biển nước ngoài trong khai thác hải sản. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến; kiểm soát sản lượng cập bến; thanh tra, kiểm tra tại cảng... Các hành vi khai thác IUU như vi phạm vùng biển nước ngoài, không chấp hành ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác... sẽ bị xử lý nghiêm; thực hiện tốt hơn công tác xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác. Đối với những tàu cá của tỉnh thường xuyên hoạt động trên các vùng biển xa, xuất và nhập bến tại các địa phương khác được quản lý chặt theo danh sách để kịp thời thông tin, xử lý khi phát hiện có hành vi khai thác IUU...
Đối với việc thực hiện các quy định về chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, có 2 vấn đề cần phải được gấp rút thực hiện, hoàn thành vào cuối năm nay là: lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho tàu cá. Cụ thể, hiện nay, toàn tỉnh có 737 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, có 7 tàu cá hoạt động nghề đăng không thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (do tàu không có máy chính, công suất nhỏ không đủ điều kiện hoạt động vùng khơi); đã có 674 tàu lắp đặt thiết bị, đạt 92,4%. Trong khi đó, tỷ lệ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm mới đạt 78,4%, với 578/737 tàu cá.
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh, hiện nay, các tàu cá chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chủ yếu thuộc địa bàn TP. Nha Trang, nguyên nhân là do hiệu quả chuyến biển thấp, nhiều tàu thua lỗ, nằm bờ nên chủ tàu không đầu tư lắp đặt thiết bị. Đối với đăng ký Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm tàu cá, vẫn còn tình trạng một số tàu cá khai thác các loại thủy sản chỉ phục vụ tiêu thụ ở những thị trường nhỏ lẻ, không cung cấp cho các công ty xuất khẩu nên chủ tàu không đăng ký. Chi cục Thủy sản đang tích cực phối hợp với các địa phương ven biển để tuyên truyền, vận động, yêu cầu các chủ tàu cá thực hiện nghiêm việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, cũng như thực hiện các thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm đối với tàu cá. Đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 phải hoàn thành các nội dung này. Chi cục mong muốn các địa phương ven biển, các đơn vị có liên quan tăng cường phối hợp để tuyên truyền, nhắc nhở, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân thực hiện.
Ngoài những vấn đề nêu trên, để thực hiện tốt hơn công tác chống khai thác IUU, ngành thủy sản kiến nghị UBND tỉnh tăng cường nguồn nhân lực cho Chi cục Thủy sản để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, sớm kiện toàn lực lượng kiểm ngư địa phương để nâng cao hiệu lực, hiệu quả về chống khai thác IUU trên các vùng biển tỉnh quản lý. Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản cần quan tâm, giải quyết một số vướng mắc cụ thể mà địa phương đang gặp phải liên quan đến lỗi mất tín hiệu kết nối hệ thống giám sát tàu cá; hướng dẫn cấp xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác đối với hình thức mua bán nguồn nguyên liệu thủy sản, hướng dẫn cấp xác nhận cho các lô hàng phụ phẩm được sử dụng từ các giấy xác nhận trước đó; sớm triển khai phần mềm điện tử Truy xuất nguồn gốc thủy sản nhằm phục vụ tốt hơn trong công tác xác nhận và chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác...
HẢI LĂNG
Trích nguồn "Báo Khánh Hòa"