Hoạt động Khoa học Công nghệ

Nghiên cứu tuyển chọn, lai tạo giống bơ cho các tỉnh phía Bắc

19/02/2024

Cây bơ (Persea americana Mill.) là cây trồng cây trồng có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Tây bán cầu, có khả năng thích nghi với nhiều điều kiện khí hậu. Quả bơ, với hàm lượng dinh dưỡng cao nhất trong các loại trái cây, không chỉ cung cấp năng lượng mà còn có tác dụng tuyệt vời đối với sức khoẻ con người. Hiện nay, trên thế giới có trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trồng bơ với tổng diện tích được thống kê năm 2019 là 726.660 ha với sản lượng thu hoạch 7.179.689 tấn/năm.

Nước ta nằm trên các đường vĩ tuyến tương tự như Mexico và ở giữa 2 quốc gia trồng bơ lớn nhất châu Á là Inđônêxia và Trung Quốc, có những điều kiện sinh thái rất thuận lợi cho phát triển cây bơ ở cả 2 miền Nam và Bắc. Tại miền Bắc, tính đến điểm trước năm 2010, chưa có một công trình nghiên cứu chính thức nào về cây bơ. Thực trạng sản xuất bơ tại các tỉnh phía Bắc có nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là những vùng trồng bơ tự phát xuất hiện song thường rơi vào tình trạng năng suất không ổn định, chất lượng thấp (thịt quả nhão, nhiều xơ, hạt to, vị đắng), hiệu quả kinh tế bấp bênh... Nguyên nhân chính của tình trạng trên là bộ giống và kỹ thuật canh tác chưa phù hợp. Nhằm giải quyết vấn đề cấp thiết cho sản xuất bơ miền Bắc, cần nghiên cứu đưa nhanh bộ giống thông qua tuyển chọn từ nguồn vật liệu sẵn có. Song song với đó là chiến lược dài hạn thông qua các nghiên cứu về lai tạo giống có định hướng nhằm chủ động tạo ra bộ giống thích nghi cao với điều kiện tự nhiên và canh tác của khu vực.

Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam do ThS. Hà Tiết Cung đứng đầu đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tuyển chọn, lai tạo giống bơ cho các tỉnh phía Bắc” nhằm tuyển chọn, lai tạo được một số giống bơ có triển vọng phục vụ nội tiêu và xuất khẩu; xây dựng được quy trình kỹ thuật nhân giống và quy trình canh tác phù hợp cho một số vùng trồng chính ở các tỉnh phía Bắc.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, Đề tài đã hoàn thành các nội dung, tiến độ và sản phẩm theo mục tiêu đề ra. Các sản phẩm chính bao gồm:

- Hai giống bơ được công nhận cho sản xuất thử (Jolio và B3) tại vùng Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ. Bao gồm:

+ Giống bơ B3: Hoa nhóm B. Cây sinh trưởng khỏe, năng suất trung bình đạt 59,97 kg/cây/năm (cây 6 năm tuổi). Thời gian thu hoạch quả tháng 8 dương lịch. Quả to, dạng quả lê, khối lượng quả trung bình 407,22 g/quả, tỷ lệ phần ăn được ≥71,38 %, hàm lượng chất khô ≥23%, hàm lượng Lipit ≥ 13%, vỏ quả dày, khi chín vỏ có màu tím đen. Thịt quả có màu vàng kem, chất lượng rất tốt, dẻo, béo, không xơ.

+ Giống bơ Jolio: Hoa nhóm A, năng suất trung bình đạt 57,93 kg/cây/năm (cây 6 năm tuổi). Thời gian thu hoạch quả sớm (tháng 7 dương lịch). Quả to, dạng quả lê, khối lượng quả trung bình 415,3 g/quả, tỷ lệ phần ăn được ≥ 72,05 %, hàm lượng chất khô ≥ 23%. Hàm lượng lipit ≥ 13%, vỏ quả dày, khi chín vỏ có màu xanh vàng. Thịt quả có màu vàng kem, chất lượng rất tốt, dẻo, béo, không xơ.

- Đề tài tuyển chọn và thu thập được 06 dòng triển vọng từ các địa phương điều tra, gồm: BLC.203, BLC.209, BSL.201, BSL.206, BQT.204, BQT.206. Các dòng triển vọng sinh trưởng khỏe, năng suất dao động từ 8,3 - 14,2 kg/cây (cây 4 năm tuổi), tỷ lệ thịt quả đạt 68,8 - 82,79%, chất lượng quả tốt, dẻo, béo, không có xơ.

- Tuyển chọn được 05 dòng lai có triển vọng B3R.21, ER.38, B5R.31, JR.05, RB3.39. Năng suất quả các dòng lai đạt từ 44-52kg/cây (cây 7 năm tuổi). Chất lượng quả đáp ứng các tiêu chí tuyển chọn: khối lượng ≥ 300 g, tỷ lệ phần ăn được ≥ 65%, thịt quả vàng, dẻo, béo và ít xơ.

- Kết quả thí nghiệm lai tạo: Xác định được 8 THL phù hợp, thực hiện trên 31.300 hoa, 1.802 quả non được hình thành, thu được 724 hạt lai, gieo ươm được 582 con lai. Số con lai tính đến thời điểm báo cáo: 508 cây.

- Đề tài công nhận 1 tiến bộ kỹ thuật cấp Bộ: “Quy trình kỹ thuật nhân giống và canh tác bơ cho các tỉnh phía Bắc”. Quy trình bao gồm các khâu kỹ thuật được tổng hợp từ các thí nghiệm nghiên cứu của đề tài như sau: Sử dụng Aliette 20WP cho phòng trừ bệnh thối rễ trong vườn ươm; Thời vụ ghép phù hợp cho bơ Jolio và B3 trong vườn ươm là vụ xuân hè (tháng 3-4) và vụ thu (tháng 7-8) và vụ đông (tháng 12); Cưa đốn và ghép cải tạo trên cành cấp 1 đạt hiệu quả cao nhất; Thời vụ ghép cải tạo phù hợp cho bơ Jolio và B3 là vụ hè (tháng 4-5) và vụ thu (tháng 7-8); Bón phân theo liều lượng: 30kg phân chuồng + 0,5kg lân Supe + 0,7 kg Uree + 0,6 kg kaliclorua/cây/năm. Thường xuyên cắt tỉa định kỳ bộ khung tán, giúp cây sinh trưởng khỏe; sử dụng Bitadin WP trong phòng trừ sâu ăn lá trong vườn bơ.

- Xây dựng 0,5ha vườn đánh giá tập đoàn giống bơ triển vọng, gồm các giống: B3. Jolio. Reed, BTP.03. BNA.02, Booth7. TA1. Các giống sinh trưởng kh ỏe, năng suất dao động từ 7,3-14,5 kg/cây (cây 4 năm tuổi).

- Xây dựng 3 mô hình trồng mới (quy mô: 03ha) bơ Jolio và B3 tại Phú Thọ, Sơn La, Nghệ An. Tỷ lệ sống đạt 81,33 - 93,00%. Cây trồng mô hình sinh trưởng tốt. Năng suất trung bình năm bói quả: 12,63 - 13,47kg/cây. Chất lượng quả tốt.

Nhóm đề tài kiến nghị đẩy mạnh ứng dụng Quy trình kỹ thuật nhân giống và canh tác bơ cho các tỉnh phía Bắc vào sản xuất. Bộ NN&PTNT tiếp tục cho phép triển khai dự án sản xuất thử giống bơ B3 và Jolio tại vùng Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Cần tiếp tục nghiên cứu tuyển chọn giống bơ cho khu vực phía Bắc trên cơ sở đánh giá các vật liệu lai và các dòng thu thập. 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19523/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.T.T (NASATI)

Trích nguồn "Cục Thông tin KH&CN quốc gia"

https://vista.gov.vn/vi/news/ket-qua-nghien-cuu-trien-khai/nghien-cuu-tuyen-chon-lai-tao-giong-bo-cho-cac-tinh-phia-bac-8130.html


Tin cùng chuyên mục