Hoạt động Khoa học Công nghệ

Nghiên cứu xây dựng giải pháp giám sát trực tuyến (có ứng dụng trí tuệ nhân tạo) để nâng cao hiệu quả giám sát và tăng cường vai trò phản biện của cộng đồng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới

01/04/2025

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng, nhà nước, đang được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương triển khai thực hiện. Sau hơn 10 năm thực hiện, kết quả xây dựng NTM đang từng bước làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội trên địa bàn nông thôn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống, chất lượng cuộc sống giữa nhân dân vùng nông thôn với thành thị. Đến hết năm 2020, đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn NTM so với mục tiêu, đến tháng 7/2021 cả nước có 64,6% số xã đạt chuẩn NTM, 29% số huyện đạt NTM, 12 tỉnh có 100% xã đạt NTM.

Phong trào xây dựng NTM đã được triển khai rộng khắp đến từng cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc lấy ý kiến hài lòng khi xét, công nhận đạt chuẩn NTM tại một số địa phương, vai trò chủ thể của nhân dân, sức mạnh chủ động của cộng đồng cơ sở chưa được đề cao.

Từ những thực tế đã nêu trên đặt ra bài toán thực hiện kiểm tra, giám sát duy trì việc thực hiện các tiêu chí NTM một cách liên tục, thống nhất về phương pháp, chủ động thu thập phản hồi, lắng nghe ý kiến đánh giá của nhân dân, tạo ra một vòng tuần hoàn thông tin liên tục để làm căn cứ chỉ đạo, đôn đốc hoàn thiện các tiêu chí cơ bản, 7 nỗ lực đạt các tiêu chí nâng cao, hướng tới các mô hình NTM kiểu mẫu. Để đáp ứng tính thống nhất về phương pháp và sự liên tục tuần hoàn của thông tin, nhóm tác giả đề xuất giải pháp số hóa một phần nghiệp vụ giám sát trong thực hiện xây dựng Nông thôn mới, đặc biệt là dưới góc độ tăng cường mức độ tham gia của người dân.

Tận dụng những thành quản của CM CN 4.0 và rút kinh nghiệm từ những nguyên nhân triển khai không thành công của nhiều đề tài công nghệ thông tin, nhóm nghiên cứu đã chọn nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong giám sát, thu thập và xử lý ý kiến của người dân khu vực nông thôn thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động thông minh. Bằng cách tích hợp Chatbot với các ứng dụng nhắn tin được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là Zalo để làm cổng kết nối tới người dân, hệ thống giám sát trực tuyến sẽ có cách triển khai đơn giản, hiệu quả, giao diện thân thiện và hoàn toàn không thay đổi thói quen người dùng.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Chủ nhiệm đề tài Thạc sĩ Nguyễn Khánh Toàn cùng nhóm nghiên cứu tại Công ty cổ phần Giải pháp KYC thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng giải pháp giám sát trực tuyến (có ứng dụng trí tuệ nhân tạo) để nâng cao hiệu quả giám sát và tăng cường vai trò phản biện của cộng đồng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới” với mục tiêu nghiên cứu xây dựng được hệ thống giám sát trực tuyến ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thu nhận ý kiến phản hồi mức độ hài lòng, phản biện, đánh giá, kiến nghị của người dân về xây dựng nông thôn mới, đồng thời tạo điều kiện để người dân có thể giám sát, phản hồi kết quả giám sát trên hệ thống.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Giám sát trực tuyến dựa vào sức mạnh cộng đồng trong triển khai xây dựng Nông thôn mới sẽ là giải pháp trả lời cho các câu hỏi trên. Việc thực hiện giải pháp sẽ giúp nâng cao vai trò của chính quyền địa phương và trao nhiều trách nhiệm hơn cho công chức địa phương trong quá trình thực hiện nông thôn mới; nâng cao vai trò và trách nhiệm của đại diện cộng đồng dân cư, đưa họ cùng chịu trách nhiệm quản lý, giám sát và thực hiện các hoạt động xây dựng nông thôn mới cùng với chính quyền. Tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm trong việc giải trình, đánh giá hiệu quả các hoạt động xây dựng nông thôn mới

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xây dựng một giải pháp đồng bộ, toàn diện sẽ đảm bảo hai yếu tố: một là đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả công nghệ thông tin và hai là phải lấy người dân làm trung tâm. Giải pháp phần mềm đã xây dựng cũng giúp hình thành các kênh giám sát, lấy ý kiến của người dân về kết quả thực hiện các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ trên môi trường mạng, tạo dựng diễn đàn trao đổi, thảo luận, tham vấn trên mạng. Người dân được tiếp cận các kiến thức và đưa ra góp ý, phản hồi thông qua các kênh mạng xã hội quen thuộc và sử dụng rộng rãi là Zalo. Đồng thời, các hoạt động của cán bộ quản lý, của các Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, Ban Thanh tra Nhân dân có các module tính năng hỗ trợ công việc, thuận tiện cho quá trình theo dõi, giám sát các nội dung Chương trình Nông thôn mới tại địa phương.

Mặt khác, khi hệ thống đi vào vận hành trên diện rộng sẽ tạo ra một cơ sở dữ liệu thời gian thực trên cả nước, phản ánh một cách lượng hóa vai trò của người dân trong giám sát cộng đồng thực hiện chương trình nông thôn mới, đồng thời cũng là nơi tra cứu hồ sơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của các đơn vị. Đây là nguồn dữ liệu quan trọng, có nhiều ý nghĩa đối với các cơ quan đơn vị cần có số liệu để phục vụ mục đích nghiên cứu xã hội học, đào tạo sau đại học các ngành xã hội nhân văn … Để hệ thống mang tính thương mại cao hơn, cần đầu tư phát triển thêm các tính năng chiết xuất số liệu, xây dựng báo cáo tự động theo nhu cầu thị trường.

Thông tin thu được từ hệ thống có tính cập nhật cao, vượt trội về tính thời sự so với thông tin thu được từ kênh văn bản truyền thống. Điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh tuyệt đối trên thị trường thông tin phục vụ nghiên cứu khoa học cũng như giao dịch thương mại. Mô hình giám sát trực tuyến dựa vào cộng đồng hoàn toàn có thể mở rộng thành mô hình khảo sát thực địa dựa vào cộng đồng, khi vai trò của cộng đồng thực hiện việc thu thập thông tin về một nội dung cụ thể, sau đó cập nhật kết quả thông qua cổng phản hồi thông tin của hệ thống. Có rất nhiều bài toán thông tin cần đánh giá trên diện 34 rộng, quy mô toàn quốc như bài toán khảo sát vùng nguyên liệu, khảo sát nhu cầu thị trường, khảo sát nhân chủng học… Dựa vào kiến trúc hệ thống như trên, các bài toán liên kết với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khảo sát số liệu là khả thi.

Thông qua quá trình triển khai thực tế, tiếp thu các ý kiến đóng góp từ người dùng cuối là các cán bộ thực hiện Nông thôn mới, người dân sinh sống tại các địa phương, nhóm nghiên cứu đã tiếp nhận và có kế hoạch tối ưu, phát triển. Qua thực tế, nhóm nghiên cứu đã nhận được các phản hồi tích cực về tính ứng dụng cao, dễ dàng triển khai với số lượng nhóm người dùng lớn và tiết kiệm chi phí, thời gian cho công tác lấy ý kiến tại các địa phương. Đối với các tính năng bổ trợ, góp ý trải nghiệm người dùng, nhóm sẽ tiếp tục tối ưu hoá cho các module tính năng phần mềm, phục vụ Chương trình NTM.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20743/2022) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Đ.T.V (NASATI)

Trích nguồn "Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia"

https://vista.gov.vn/vi/news/ket-qua-nghien-cuu-trien-khai/nghien-cuu-xay-dung-giai-phap-giam-sat-truc-tuyen-co-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-de-nang-cao-hieu-qua-giam-sat-va-tang-cuong-vai-tro-phan-bien-cua-cong-dong-trong-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-ve-xay-dung-nong-thon-moi-11009.html


Tin cùng chuyên mục