Hoạt động Khoa học Công nghệ

Những người tiên phong phục hưng bèo hoa dâu

20/02/2024

Bên ấm trà Bảo Thọ được chế từ bèo hoa dâu, TS Phạm Gia Minh kể về khát vọng phục hưng bèo hoa dâu của mình và các nhà khoa học…

Những đứa cháu kế thừa di sản của ông

Cách đây 100 năm, ông ngoại tôi là nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu từng thế chấp nhà để xuất bản tạp chí Khoa học với mong muốn phổ biến kiến thức cho toàn dân. Hồi nhỏ, tôi thường được mẹ đưa lên nhà ông, được nhờ đọc rồi viết hộ vì lúc đó ông đã bị mù. Lòng kính trọng ông và yêu khoa học nảy sinh từ đó.

Ông tôi có mấy chục người cháu. Tôi học toán điều khiển, có liên quan gì trực tiếp đến sinh học, nông nghiệp đâu? Nhưng cách đây dăm năm, HĐND tỉnh Hưng Yên quyết định đặt tên phố Nguyễn Công Tiễu tại thị trấn Trần Cao của huyện Phù Cừ, tôi mới làm một cuộc tọa đàm và tìm được cuốn sách mới nhất về bèo hoa dâu là “Câu chuyện bèo hoa dâu-Azolla - một thông điệp đến từ tương lai” của hai nhà khoa học Anh là Jonathan và Alexandra.

100 năm trước, nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu đã công bố nghiên cứu về bèo hoa dâu. Ảnh: Tư liệu.

100 năm trước, nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu đã công bố nghiên cứu về bèo hoa dâu. Ảnh: Tư liệu.

Tôi đọc thấy hay quá và cảm thấy có một cái gì thôi thúc, phải dịch ra để cho mọi người cùng biết. Cứ tầm 3 - 4 giờ sáng là tôi thức dậy, như có cái gì đó mách bảo phải làm cái này, làm cái kia. Nhiều ý tưởng rất sáng về bèo hoa dâu đến một cách bất ngờ với tôi. Rồi ngay cả cháu nội ông Nguyễn Công Tiễu là Philippe Nguyen-Cong-Duc vốn là con lai, sống ở Pháp từ nhỏ, tưởng như Tây hóa đã mất gốc rồi vì không biết cả tiếng Việt, làm đầu tư tài chính, có liên quan gì đến bèo hoa dâu đâu mà gần đây cũng vào cuộc.

Vấn đề phục hưng bèo hoa dâu bây giờ theo TS Phạm Gia Minh có nhiều cái khó. Thứ nhất là môi trường sinh thái ở Việt Nam nay đã khác xa trước do dùng nhiều thuốc diệt cỏ, diệt ốc nên nguồn nước bị nhiễm, khi thả bèo vào thì bị lụi. Thứ hai là xưa trong các HTX nông nghiệp có tổ bèo hoa dâu chuyên nhân giống để cung cấp cho các xã viên nhưng khi chuyển sang cơ chế khoán, các HTX tan rã nên các tổ này cũng tan theo.

Thứ ba là ngoài Bắc các cánh đồng giờ hoàn toàn tưới tiêu theo lịch, xả nước thì mới có nước, còn không là ruộng khô cho nên việc giữ bèo ở trong ruộng như trước đã thay đổi hoàn toàn. Cuối cùng là lao động trong nông nghiệp giờ hiếm mà làm bèo đòi hỏi phải nhiều công hơn hẳn so với việc cầm phân hóa học mà rải.

Chưa nói đến chuyện những nông dân trẻ ngày nay không biết thế nào là bèo hoa dâu, đã mất thói quen sử dụng chúng. Ngay cả những viện nghiên cứu của Bộ NN-PTNT như Viện Thổ nhưỡng Nông hóa những người nghiên cứu sâu về bèo hoa dâu cũng không còn nhiều...

Giải pháp Neorice – canh tác lúa nước hữu cơ có phát thải khí nhà kính âm ứng dụng bèo hoa dâu, than sinh học Biochar và chế độ ngập - cạn nước luân phiên của chúng tôi đã vượt 291 bài dự thi khác từ hơn 40 quốc gia để vào top 9 chung kết cuộc thi Netzero do Tamasek của Singapore tổ chức nhưng không đoạt giải. Tất cả những thứ đó tạo ra một thực tiễn rất khác thời xưa.

TS Phạm Gia Minh bên ruộng bèo hoa dâu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

TS Phạm Gia Minh bên ruộng bèo hoa dâu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Còn những thuận lợi? Thứ nhất là truyền thống của Việt Nam đã có hàng ngàn năm sử dụng bèo hoa dâu như một cứu cánh, một dạng phân xanh rất hiệu quả. Từ Thế kỷ XII, nhà sư Khổng Minh Không đã truyền kinh nghiệm sử dụng bèo hoa dâu cho nông dân Thái Bình. Từ năm 1923, nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu - khuyến nông sứ Bắc Kỳ (một chức danh của người phụ trách chuyên môn hỗ trợ nông dân thời đó) đã lần đầu tiên công bố quốc tế công trình nghiên cứu khoa học về việc cộng sinh của khuẩn tảo xanh lam có khả năng hấp thụ đạm từ khí trời với bèo hoa dâu để khi lụi đi chúng thành đạm sinh học cho lúa nên được ví như một nhà máy phân đạm thiên nhiên.

Tôi cảm thấy di sản của ông ngoại mình rất vĩ đại bởi ngay từ những năm 30 của Thế kỷ XX, ông tôi đã viết về chuyện sinh đẻ kế hoạch như thế nào, về hủ tục tảo hôn, đốt vàng mã tác hại ra sao và nhận định chỉ có khoa học mới cứu được chúng ta mà thôi. Trong suốt mấy chục năm sau đó đến Thập niên 80 của Thế kỷ XX, có rất nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam về bèo hoa dâu. Bây giờ khai thác lại chúng ta vẫn thấy chúng rất có ích như phương pháp nhân bèo hoa dâu sinh sản hữu tính, kết hợp bèo hoa dâu với phân hóa học để bón cho lúa…

Thứ hai, tuy bây giờ tìm rất khó trong tự nhiên nhưng giống bèo hoa dâu vẫn còn, như ở trong rừng U Minh tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, ở huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An, ở huyện Lâm Bình tỉnh Tuyên Quang, ở huyện Ngân Sơn tỉnh Bắc Kạn… Ngay ở Đồng bằng sông Hồng thì tại xã Tiền Phong (huyện Phủ Cừ, tỉnh Hưng Yên) có cái ao của một nông dân luôn có bèo hoa dâu.

Nuôi bèo hoa dâu để làm dược liệu ở Thái Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nuôi bèo hoa dâu để làm dược liệu ở Thái Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thời bèo hoa dâu phát triển mạnh, chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng như Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình… chứ chưa lên các tỉnh có điều kiện lạnh như Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Thái Nguyên, Lạng Sơn, Yên Bái…, đó là một điều kiện thuận lợi. Các tỉnh phía Nam phải có giống bèo chịu nhiệt. Giống bèo của châu Phi do PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) mang về được tôi chia cho 4 nơi, một ở Hưng Yên, hai ở Bạc Liêu, ba ở Tiền Giang và bốn là nuôi tại Hà Nội, thời gian đầu chúng phát triển tốt nhưng sau đó cứ lụi dần, so với bèo của Việt Nam thì kém xa, có thể là do chưa hợp với thời tiết, khí hậu. TS Linh Nhâm ở Đại học Bạc Liêu thông báo sắp tới sẽ sang Úc xin một giống bèo chịu nhiệt về thử nghiệm.

Thứ ba là nhận thức của các lãnh đạo cũng như các chuyên gia trong ngành nông nghiệp trong thời gian qua cũng đã có sự thay đổi. Tôi đã vài lần gửi email cho Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan về bèo hoa dâu, ông cũng đánh giá cao về công dụng của nó và trong chuyến đi công tác tại Ấn Độ ông đã thăm cơ sở nuôi bèo hoa dâu ở đó, đặt vấn đề hợp tác với họ. Đó là nhận thức từ trên cao, còn ở dưới, chị Lê Thị Thanh Vân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (Viện Chăn nuôi) đã liên lạc với tôi nói rằng Bộ NN-PTNT đang xây dựng đề tài sử dụng bèo hoa dâu trong chăn nuôi từ năm 2023 - 2025. Vừa rồi tôi có gửi luận án thạc sĩ của một sinh viên ở Algieria ứng dụng bèo hoa dâu làm thức ăn cho thỏ, hiệu quả rất cao.

Ruộng bèo hoa dâu ở châu Phi. Ảnh: Tư liệu.

Ruộng bèo hoa dâu ở châu Phi. Ảnh: Tư liệu.

Trước đó tôi có gửi một số bài viết về ứng dụng bèo hoa dâu làm thức ăn cho trâu giúp nâng cao chất lượng sữa, làm thức ăn cho gà giúp tăng sản lượng và chất lượng trứng. Trong trồng trọt do có thuốc trừ cỏ, trừ ốc, hóa chất… nên bèo hoa dâu khó phát triển, còn trong chăn nuôi, có thể nuôi bèo hoa dâu trong môi trường hoàn toàn không có những hóa chất đó, nuôi theo kiểu công nghiệp, không động chạm gì đến thuốc diệt cỏ, diệt ốc sẽ cho kết quả tốt. Gần đây, các nhà khoa học của châu Âu đã nghiên cứu bổ sung 20% bèo hoa dâu làm thức ăn gia súc, giảm được phát thải khí metan 35% trên các động vật nhai lại.

"Tôi đã tìm ra một loạt bài báo nghiên cứu ở Ấn Độ cho thấy, chỉ cần bổ sung 5% bèo hoa dâu vào thức ăn nuôi tằm thì cho năng suất kéo tơ tăng 20%, sợi chất lượng tốt hơn, lứa tằm ngắn hơn 1 tuần. Một giá trị nữa không kém gì tơ của ngành tằm là chất Sericin chiết xuất thành mỹ phẩm và dược phẩm rất tốt. Nếu ứng dụng tất cả những cái đó sẽ tạo ra sự thay đổi lớn cho ngành dâu tằm của Việt Nam chứ không chỉ là làm thuê rồi bán sản phẩm thô cho nước ngoài".

(TS Phạm Gia Minh)

Không còn bước lùi nữa...

TS Phạm Gia Minh kể tiếp, ngoài ông ra, những chuyên gia về nông nghiệp như TS Nguyễn Xuân Lai, nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa; TS Lê Quý Kha, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam; kỹ sư Nguyễn Lân Hùng… tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn rất quan tâm đến bèo hoa dâu. Đó là sự chuyển biến về nhận thức trong xã hội, đặt trong một bối cảnh thế giới đang quay lại với nông nghiệp tuần hoàn, họ đánh giá cao nhiều yếu tố hữu cơ, trong đó có bèo hoa dâu.

Tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 28) năm 2023 kèm theo rất nhiều tài trợ quốc tế mà Việt Nam phải tranh thủ, tại sao không lấy bèo hoa dâu ra để đặt vấn đề với họ?

Ruộng bèo hoa dâu ở Bắc Kạn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ruộng bèo hoa dâu ở Bắc Kạn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ở Pháp có ông Philippe Nguyen-Cong-Duc là cháu nội nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu. Ông là một nhà đầu tư tài chính, là cố vấn kinh tế cho ứng cử viên Tổng thống Pháp, có mối quan hệ rất rộng với giới tài phiệt châu Âu đã đặt vấn đề hợp tác với ông Jonathan Bujak - tác giả cuốn sách “Câu chuyện bèo hoa dâu – Azolla, một tiếng gọi đến từ tương lai”.

Ông Philipe Nguyen-Cong-Duc đang chuẩn bị đầu tư nhiều triệu đô la Mỹ vào Maroc và Algeria để canh tác bèo hoa dâu theo quy mô công nghiệp, trên đặt các tấm pin mặt trời, dưới thả bèo hoa dâu, đầu tiên phục vụ cho chăn nuôi, sau đó làm phân bón. Dù họ từng đi sau ta trong việc sử dụng bèo hoa dâu nhưng giờ đây khối các nước nói tiếng Pháp đã quan tâm đến bèo hoa dâu như vậy đấy.

Ở Bắc Kạn có chị Phạm Thị Thu - Trưởng phòng Trồng trọt và BVTV của Chi cục Trồng trọt - BVTV và Quản lý chất lượng rất tâm huyết với bèo hoa dâu, đã tổ chức được nhiều buổi giảng bài và huấn luyện cho gần 1.000 lượt nông dân biết công dụng của nó. Những vùng nước chưa bị ô nhiễm bởi thuốc trừ cỏ như các tỉnh miền núi phía Bắc thì phát triển bèo hoa dâu rất nhanh và dễ. Ở Đà Lạt (Lâm Đồng), TS Phạm Gia Minh muốn kết hợp với Sở NN-PTNT hoặc Sở Khoa học và Công nghệ để phát triển bèo hoa dâu vì ở đây có diện tích nhà màng rất lớn.

Có một công trình nghiên cứu ở Trung Quốc nói rằng chính nhà màng là nơi phát thải khí N2O, rất độc do dư lượng của phân hóa học urea tạo ra. Nếu như dùng bèo hoa dâu thay thế đạm hóa học thì N2O sẽ không còn nữa. Đà Lạt có điều kiện thuận lợi là quanh năm mát mẻ, lý tưởng để phát triển bèo hoa dâu và trở thành điểm sản xuất giống cấp cho cả nước. Dưới các giàn trồng hoa, trồng rau có thể để những máng trồng bèo, rồi dùng bèo nghiền ra, thủy phân để tưới cho hoa, cho rau. Tiếc là TS Minh chưa gặp được những lãnh đạo của tỉnh Lâm Đồng để đặt vấn đề với họ.

Thu hoạch bèo hoa dâu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thu hoạch bèo hoa dâu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Vậy làm cái gì để tận dụng được những thuận lợi và khắc phục được những khó khăn vừa nêu? TS Phạm Gia Minh trả lời: Đầu tiên phải cơ giới hóa, tự động hóa việc canh tác, thu hoạch, chế biến bèo hoa dâu. Với trình độ cơ khí hiện nay thì chuyện đó đơn giản. Thứ hai là vấn đề nước cho sản xuất bèo, lịch tháo nước nếu không thay đổi được thì phải có kế hoạch giữ nước ở những khu nhất định để giữ giống bèo. Về chất lượng nước, nếu đầu nguồn nhiễm chất diệt cỏ thì cuối nguồn bèo hoa dâu sẽ chết hết.

Công ty Padco có loại vi sinh ngâm cùng với nước dưới ruộng trong 20 ngày khiến cỏ chết hết nhưng nhược điểm là thời gian phải lâu. 20 ngày với những nơi làm 2 vụ lúa thì áp dụng được, còn 3 vụ lúa sẽ không kịp vì người ta chỉ có 10 ngày để cho ruộng nghỉ. Nên chăng Bộ NN-PTNT cần có giải thưởng cho những cá nhân, tập thể nào tìm ra giải pháp vi sinh, hữu cơ để diệt cỏ, diệt ốc nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc trừ cỏ trong canh tác lúa, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bèo hoa dâu…  

Ở châu Á, Ấn Độ,  Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippine phát triển bèo hoa dâu hết sức rộng rãi. Ở Quảng Đông (Trung Quốc) cũng có hẳn viện bèo hoa dâu quốc gia. Đó là điều mà chúng ta cần phải vì suy nghĩ vì Việt Nam là quốc gia nghiên cứu, phát triển bèo hoa dâu từ rất sớm, tuy nhiên những năm qua lại gần như bỏ ngỏ, không còn được chú trọng.

TS Phạm Gia Minh (ngoài cùng bên phải) cùng với các nhà khoa học bên ruộng bèo hoa dâu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

TS Phạm Gia Minh (ngoài cùng bên phải) cùng với các nhà khoa học bên ruộng bèo hoa dâu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Rõ ràng chúng ta không có bước lùi về việc phải ứng dụng bèo hoa dâu. Tháng 5 năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề nghị Chính phủ cho ngừng sản xuất phân đạm từ khí đồng hành để dành khí cho sản xuất điện bởi đang thiếu. Trong trường hợp khủng hoảng như vậy mà có chỗ dựa là bèo hoa dâu thì sẽ đỡ đi nhiều, chứ không nói là bèo hoa dâu sẽ thay thế được tất cả.

Chúng ta hãy làm một phép tính, mỗi ha bèo hoa dâu còn cung cấp 800 - 1.200kg đạm thực vật/ha/năm cho đồng ruộng. Trong khi chúng ta có khoảng 7 triệu ha trồng lúa mỗi năm, chỉ cần ½ trong số đó thả bèo đã là đã ra bao nhiêu tỷ đô la Mỹ rồi. Chưa nói đến chuyện giảm phát thải CH4, CO2, N2O để tạo ra môi trường trong lành, cải tạo đất, giúp cho cá tôm phát triển. Trong Nam có thể nuôi tôm trong ruộng lúa, ngoài Bắc có thể nuôi cá, nuôi vịt trong ruộng lúa.

Mọi việc mới thường bao giờ cũng không dễ dàng. Tôi cùng TS Ngô Kiều Oanh lên xã Thạch Yên - một xã vùng cao của huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) - nơi có nhiều dự án du lịch nông nghiệp nên đã tặng sách về bèo hoa dâu và giống bèo hoa dâu. Ý tưởng là nông dân trên đó nghèo, chi phí mua phân bón và thức ăn gia súc lớn, ở đó lại không dùng thuốc trừ sâu nhiều, môi trường còn khá sạch nên rất thuận lợi để thả bèo làm phân bón, làm thức ăn cho gia súc quy mô nhỏ. Từ điểm khởi đầu đó nhằm lan tỏa đến các vùng nông thôn khác ở phía Bắc. Mặc dù vậy, có lẽ lãnh đạo địa phương không hề có nhận thức về bèo hoa dâu, truyền thống canh tác về bèo hoa dâu. Phía chúng tôi cũng có khiếm khuyết là chưa có điều kiện thường xuyên lên đốc thúc, hướng dẫn và hỗ trợ duy trì đủ lâu, đủ mạnh cho họ để đẩy thành một phong trào.

Quỹ thời gian của tôi không có nhiều, một số nhà khoa học khác quan tâm về bèo hoa dâu cũng vậy nên phải xây dựng thế hệ trẻ như TS Linh Nhâm (Đại học Bạc Liêu), kỹ sư Nguyễn Đăng Khoa (Công ty Tập đoàn Cẩm Châu ở Tiền Giang), thầy giáo Nguyễn Hữu Lộc ở Trà Bồ (Phù Cừ, Hưng Yên) - quê cụ Nguyễn Công Tiễu, kỹ sư Lương Văn Trường ở Nam Định… Họ đều là những người rất giỏi và đam mê về bèo hoa dâu. Chúng tôi sẽ kết nối quốc tế, tạo ra sức kéo của thế giới đối với cây bèo hoa dâu ở Việt Nam.

“Dục tốc bất đạt”, quan điểm của tôi là cái gì muốn thành công phải có sự chuẩn bị kỹ, có nền tảng, không vội được. Nếu vội sẽ vấp ngã. Thời gian của tôi có ít, sức lực có hạn thì sẽ chọn những cái vừa sức, không ôm đồm". 

(TS Phạm Gia Minh)

Để bèo hoa dâu trở về đồng ruộng...

Ông Trần Mạnh Báo - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed chia sẻ rằng: Cách đây mấy năm, chúng tôi đã cho làm thử bèo hoa dâu trên ruộng lúa, đã có kết quả tốt, tuy nhiên phát triển ra ngoài đại trà thì chưa thành phong trào và việc làm thử ấy cũng chưa thực sự bài bản. Ý tưởng bây giờ của chúng tôi là sẽ khôi phục lại bèo hoa dâu để phục vụ cho sản xuất lúa hữu cơ thay thế cho phân đạm hóa học, sẽ cho Viện Nghiên cứu cây trồng của Tập đoàn làm, mà trước tiên là Bộ môn Lúa sẽ thực hiện ở ngay trong vụ đông xuân 2023 - 2024 này.

Dập bèo hoa dâu để bèo nhanh phát triển. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dập bèo hoa dâu để bèo nhanh phát triển. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bèo hoa dâu có hai loại, loại chịu lạnh thì ở thời điểm bây giờ (tháng 1) đã hết thời vụ, thành phân bón rồi, còn loại chịu nhiệt thời vụ sẽ vào tháng 3, tháng 4. Giống bèo chịu nhiệt phát sinh trong tự nhiên, được chúng tôi phát hiện ra cách đây mấy năm ở ngay trong ruộng của Viện Nghiên cứu cây trồng thuộc Tập đoàn, nó theo nguồn nước ở đâu về không rõ.  

Chuyện đưa cây bèo trở lại với đồng ruộng, vấn đề quyết định là giống, còn quy trình sản xuất bèo thì ở Thái Bình đã là truyền thống rồi. Tôi với chuyên gia Nguyễn Lân Hùng đã bàn về chuyện khôi phục bèo hoa dâu khi ông về đây ngày 3/1/2024. Đó là về mặt ý tưởng, còn phát triển nó như thế nào là một đoạn khác.

Khó nhất bây giờ là triển khai ra ngoài đại trà cho nông dân và tạo ra một phong trào sử dụng để hạn chế và thay thế cho phân bón hóa học. Ứng dụng bèo hoa dâu vào sản xuất là một truyền thống cần phải khôi phục lại chứ không phải là vấn đề gì mới cả, nhưng để phát triển nó thì phải có ý tưởng, phải thực hiện một cách bài bản rồi sau đó có dự án đàng hoàng...

PGS.TS Đào Thế Anh (thứ 2 từ trái sang) thăm ruộng lúa thả bèo hoa dâu ở châu Phi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

PGS.TS Đào Thế Anh (thứ 2 từ trái sang) thăm ruộng lúa thả bèo hoa dâu ở châu Phi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Còn chuyên gia Nguyễn Lân Hùng thì kể, GS.TS Nguyễn Quang Thạch trước khi mất có đưa cho mình cuốn sách rất dày về bèo hoa dâu của một tác giả nước ngoài, quyển sách có tới hơn 700 tài liệu tham khảo nhưng trong đó chỉ 2 tài liệu của Việt Nam. GS.TS Thạch có trao đổi với ông rất nhiều về bèo hoa dâu, bởi thế ông muốn tiếp tục sự nghiệp này.

Bèo hoa dâu theo ông có thể trở thành cây của thế kỷ, giải quyết rất nhiều vấn đề, ngoài cung cấp đạm, còn có thể hấp thụ khí cacbonic gấp 4 – 8 lần nhiều loại cây khác. Nếu 7 triệu ha lúa của Việt Nam hấp thụ khí cacbonic và giảm phát thải CH4 thì sẽ tạo ra nguồn thu lớn từ việc bán tín chỉ carbon trong tương lai. Bởi thế ông mới xuống ThaiBinh Seed đề xuất với ông Trần Mạnh Báo làm một khu thực nghiệm về bèo hoa dâu với mong muốn đưa nó trở lại với đồng ruộng.

“Ý tưởng thì thế, nhưng theo tôi vẫn còn nhiều khó khăn. Thứ nhất là nông dân bây giờ thích áp dụng máy móc. Xưa tôi hướng dẫn sinh viên mùa đông lạnh mà vẫn đi dập bèo, làm bèo rất vất vả nhưng khi có phân đạm, việc bón đơn giản quá nên họ không dùng bèo nữa. Việc quay trở lại dùng bèo hoa dâu phải là những người chịu khó, nó không đơn giản nhưng hiệu quả rất rõ. Phải có mô hình rồi mới có thể mở rộng thành phong trào", chuyên gia Nguyễn Lân Hùng nói.

Dương Đình Tường

Trích nguồn "Báo Nông nghiệp VN"

https://nongnghiep.vn/nhung-nguoi-tien-phong-phuc-hung-beo-hoa-dau-d373939.html


Tin cùng chuyên mục