Là một trong những địa phương dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới, không ít nông dân, doanh nghiệp ở Đồng Nai đã ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
Hệ thống tưới được lập trình sẵn, mọi hoạt động tắt, mở tưới phun đều tự động hóa. Ảnh: Minh Sáng.
Nhà vườn sáng tạo
Chúng tôi ghé thăm khu vườn của gia đình anh Huỳnh Văn Hoàng ở tổ 8, ấp Ruộng Tre, xã Bảo Quang, TP Long Khánh, nông dân tiêu biểu đi tiên phong thực hiện mô hình trồng bưởi da xanh ứng dụng khoa học - kỹ thuật cao đem lại hiệu quả bền vững.
Đang chỉnh lại những van khóa hệ thống tưới thông minh, tiết kiệm nước trong vườn, gặp chúng tôi anh vui vẻ tâm sự: “Giờ làm vườn ứng dụng công nghệ tự động đỡ phải dùng tay chân, cây cho năng suất, hiệu quả vượt trội. Ngoài sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí, công nghệ tưới phun tự động còn giúp hạn chế tiếp xúc với các loại thuốc, phân hóa học nên giảm sự độc hại cho nhà vườn”.
Anh Hoàng là nông dân tiêu biểu đi tiên phong thực hiện mô hình trồng bưởi da xanh ứng dụng khoa học công nghệ cao. Ảnh: Minh Sáng.
Theo anh Hoàng, chi phí đầu tư hệ thống tưới nước không cao, 1ha khoảng 10 triệu đồng nhưng hiệu quả mang lại rất lớn, tiết kiệm công sức, nhân công và bưởi đạt chất lượng tốt. Sau khi trừ hết chi phí, anh thu được từ 200-300 triệu đồng/năm.
Hiện anh đang tiếp tục đầu tư cho gần 2ha bưởi khác đang cho trái bói. Mô hình này được anh nhân rộng cho một số hộ dân trong ấp cùng ứng dụng nhằm mang lại hiệu quả trong sản xuất.
Mặc dù được đào tạo chuyên môn nghề cơ khí, nhưng anh Hoàng đam mê làm nông nghiệp, đặc biệt anh thích tìm tòi công nghệ tiên tiến, giống cây trồng mới. Năm 2017, anh quyết định đốn bỏ vườn tạp, cải tạo lại vườn đất chuyển sang trồng bưởi da xanh theo hướng hữu cơ sinh học, với diện tích 1,4ha (khoảng trên 300 gốc bưởi).
Đồng thời, anh lắp đặt hệ thống tưới thông minh “3 trong 1” với các chức năng phun thuốc, tưới nước và tưới phân.
Anh giải thích cho chúng tôi nghe về các hệ thống tưới tiết kiệm được điều khiển tự động bởi app trên điện thoại di động. Chỉ cần một máy cố định và lắp đặt 4 van điều khiển là có thể tưới phân, nước và phun thuốc cho vườn bưởi hằng ngày.
Với cách làm này, anh Hoàng ở nhà hay đi bất cứ đâu vẫn có thể chăm sóc vườn bưởi chu đáo, đúng giờ theo lịch đã cài đặt sẵn. Không chỉ tự mày mò lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, anh còn cài đặt cả việc tắt mở đèn điện tự động từ trong nhà ra vườn thông qua app điện thoại di động.
Anh Hoàng thao tác bật hệ thống tưới và điện thắp sáng bằng app điện thoại di động. Ảnh: Minh Sáng.
Để chứng minh, anh Hoàng cầm chiếc điện thoại di động, mở app bấm vào lịch tưới, chỉ nửa phút sau toàn bộ vườn bưởi nước phun bay mù mịt. Đồng thời, anh bật tiếp hệ thống đèn điện thắp sáng cũng bằng chiếc điện thoại. Theo anh Hoàng, nếu mua các linh kiện để lắp đặt hệ thống tưới thông minh này chỉ tốn khoảng 40 triệu đồng cho vườn bưởi rộng 6.000m2.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Quang - lớp nông dân đầu tiên của Đồng Nai được cấp chứng nhận vườn tiêu GlobalGAP tại xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) không ngại đầu tư vốn tự nghiên cứu lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ Israel cho toàn bộ vườn tiêu rộng 3ha của gia đình.
Hệ thống tưới được lập trình sẵn, ông có thể dùng điện thoại thông minh điều khiển hoạt động tắt, mở tưới phun từ xa. Ông Quang tâm sự: “Giai đoạn tiêu thụ hồ tiêu khó khăn, nông dân càng cần đầu tư công nghệ, kỹ thuật mới để giảm giá thành sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn thì mới tạo lợi thế cạnh tranh”.
Theo ông Quang, tính về hiệu quả lâu dài, sản xuất sạch có chi phí rẻ hơn so với thói quen lạm dụng phân thuốc chạy theo năng suất. Do vậy, ông tự ủ phân bón hữu cơ, không sử dụng thuốc diệt cỏ mà cho cắt cỏ phủ lên đất, ưu tiên sử dụng thuốc và các giải pháp sinh học trong phòng và trừ bệnh cho cây. Sản phẩm tiêu GlobalGAP của gia đình ông được bao tiêu với giá cao hơn ngoài thị trường.
Sẵn sàng chuyển giao công nghệ
Theo Hội Nông dân xã Bảo Quang, những nhà vườn tiêu biểu với sáng tạo không ngừng đã tạo động lực thi đua để nhiều người dân làm theo, tạo sức bật cho phát triển kinh tế.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Quang Trần Thị Lệ Như phấn khởi, cho biết: “Nhiều mô hình nông nghiệp thông minh với những giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại nhưng rẻ tiền và phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương ngày càng được nhân rộng”.
Theo chị Như, với nông dân làm nông nghiệp thông minh nên bắt đầu từ những kỹ thuật, công nghệ đơn giản, dễ ứng dụng. Trong đó, hệ thống tưới nước tiên tiến, tiết kiệm kết hợp bón phân qua đường ống được điều khiển bởi app trên điện thoại di động để bật, tắt hệ thống tưới tự động đang được nhiều nông dân ứng dụng phổ biến.
Áp dụng công nghệ tưới Israel kết hợp với hệ thống tự động làm mát có thể trồng được các loại rau ôn đới, giá trị sản xuất từ 4-5 tỷ đồng/ha. Ảnh: Minh Sáng.
Đầu tư công nghệ mới và các giải pháp thông minh cũng đang thu hút các doanh nghiệp tham gia. Việc xử lý chất thải chăn nuôi rất khó khăn, tốn kém cũng là lý do khiến anh Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trang Trại Việt (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) đầu tư nhà máy sản xuất phân gà hữu cơ và lập trang trại rộng hơn 10ha với hệ thống nhà màng, nhà kính trồng rau, quả sạch xuất khẩu.
Anh Tính chia sẻ: “Hiện tại nhà máy phân hữu cơ của tôi đang sản xuất 5 dòng sản phẩm, tôi đang xây dựng những Farm (khoảng 2,5 ha) trồng rau, dưa lưới theo tiêu chuẩn GlobalGAP, sử dụng nguồn phân hữu cơ trên nhiều nhóm cây trồng. Áp dụng công nghệ tưới Israel kết hợp với hệ thống tự động làm mát có thể trồng được các loại rau ôn đới, giá trị sản xuất bình quân đạt từ 4-5 tỷ đồng/ha”.
Vốn xuất thân từ kỹ sư cơ khí, chủ doanh nghiệp Trang Trại Việt không “bê nguyên” công nghệ tưới từ Israel về sử dụng mà có nhiều cải tiến, thậm chí tự chế tạo những thiết bị, máy móc trong nhà màng, nhà kính; tự thiết kế robot được lập trình tự động tưới nước cho cây, ứng dụng năng lượng mặt trời để vận hành hệ thống làm mát trong nhà màng…
Theo anh Tính, ngoài chế độ dinh dưỡng cho cây, yếu tố cực kì quan trọng là tưới nước nhỏ giọt nhằm kiểm soát tốt độ ẩm của đất. Hơn nữa, khi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, sẽ tiết kiệm được nguồn nước, tưới lượng nước nhỏ nên duy trì độ ẩm phù hợp cho cây trồng phát triển tốt.
“Doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng chuyển giao từ công nghệ nhà màng đến kỹ thuật sản xuất sạch và bao tiêu sản phẩm. Đây là cơ hội tốt để nông dân chuyển đổi sang hướng sản xuất an toàn, có giá trị kinh tế cao để thoát khỏi vòng luẩn quẩn chạy theo số lượng nên được mùa là mất giá”, anh Tính nói.
Trao đổi với Báo NNVN, ông Vũ Quốc Việt, Chi Cục trưởng Chi cục trồng trọt, BVTV và Thủy lợi tỉnh Đồng Nai cho biết: Khi bước vào cao điểm nắng nóng, nhiều diện tích cây trồng bị thiếu nước, ngành chức năng tỉnh đã khuyến cáo bà con nông dân tăng cường sử dụng nước tưới tiết kiệm nhằm mang lại hiệu quả trong sản xuất, giảm áp lực lên việc cung cấp nước tại các địa phương.
MINH SÁNG
Trích nguồn “Báo Nông nghiệp VN”
https://nongnghiep.vn/nhung-nong-dan-nhan-tenh-nho-xai-cong-nghe-thong-minh-d267829.html