Nông Thôn Mới - Gương Sản Xuất Giỏi

Ninh Hòa: Tích cực chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

15/07/2024

Thời gian qua, thị xã Ninh Hòa đã tích cực triển khai công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới NTM thông minh. Hoạt động này không chỉ giúp cho công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền được tốt hơn, còn nâng cao mức độ thụ hưởng cho công dân xã NTM.

Những kết quả khích lệ

Ông Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021 - 2025 mà địa phương đang triển khai tập trung vào mục tiêu lớn nhất đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh. Thị xã đã triển khai đầy đủ, thực chất các chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số; kế hoạch về thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 và thường xuyên đôn đốc cán bộ, công chức tham gia các khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà (nền tảng MOOCs)… 

Cán bộ xã Ninh Quang hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm Zalo và tham gia vào nhóm thích hợp.
Cán bộ xã Ninh Quang hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm Zalo và tham gia vào nhóm thích hợp.

Về xây dựng chính quyền số trong xây dựng NTM, cụ thể là tiêu chí số 8 thông tin và truyền thông, tính đến quý II/2024, toàn bộ các xã của Ninh Hòa đã đạt chỉ tiêu xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành; xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông, Internet. Để thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn, thị xã đã triển khai các chính sách khuyến khích, thúc đẩy việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP), ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực của các xã như: Dừa xiêm Ninh Tây, xoài, xáo tam phân Ninh Tân, tỏi Ninh Sơn... Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực trên địa bàn các xã như: Gạo Ngọc Quang, nếp quạ Ninh Đông, dừa xiêm Ninh Đa… kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, áp dụng số hóa vào công tác vận hành kinh tế hợp tác xã; tập trung tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử cho cán bộ, công chức và chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá, ngư dân ven biển.

Đối với phát triển xã hội số trong xây dựng NTM, thị xã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời triển khai thực hiện sổ khám, chữa bệnh điện tử, học bạ số cấp tiểu học. Đến nay, thị xã đã cập nhật hồ sơ đối tượng đang hưởng trợ giúp xã hội vào cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội trên hệ thống MIS POSASoft đạt 100%; chuẩn hóa cơ sở dữ liệu người có công trên địa bàn thị xã đạt 98,69%; số hóa, làm sạch dữ liệu thông tin về lao động, việc làm phục vụ kết nối với cơ sở dữ liệu về dân cư trên địa bàn thị xã đạt 95,6%...

Tăng cường mức độ thụ hưởng của người dân

Triển khai thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM, các xã tham gia chương trình NTM trên địa bàn thị xã đều được đầu tư bài bản về hạ tầng số, từ đó tạo tiền đề để triển khai ứng dụng số vào công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, vào đời sống sản xuất của nhân dân và nâng cao mức độ thụ hưởng những giá trị tốt mà môi trường số mang lại.

Du khách chụp hình với người dân Ê đê tại nhà văn hóa thôn Buôn Đung, xã Ninh Tây trong lễ cúng bến nước năm 2024
Du khách chụp hình với đồng bào Ê đê tại Nhà văn hóa thôn Buôn Đung (xã Ninh Tây) trong lễ cúng bến nước năm 2024.

Là xã đầu tiên của thị xã đang tập trung xây dựng thành xã NTM kiểu mẫu trong năm nay, xã Ninh Quang đã hình thành “Thôn thông minh” tại thôn Thạnh Mỹ, nơi chính quyền, người dân và các tổ chức chính trị, đoàn thể kết nối với nhau qua ứng dụng zalo, mọi công tác trong thôn, xã hay các vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân đều được cập nhật nhanh chóng, chính thống. Trong khi đó, xã Ninh Đông - xã đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào năm 2025 - lại triển khai mô hình hạ tầng số tại thôn Văn Định làm mẫu. Tại đây, hạ tầng cáp quang có thể phục vụ cho hơn 50% hộ dân trong xã, tỷ lệ phủ sóng mạng di động trong phạm vi thôn (3G/4G) đạt 100%. Đồng thời, nhà văn hóa - khu thể thao thôn cũng đã được lắp đặt mạng wifi phát miễn phí cho nhân dân sử dụng; hơn 98% hộ dân có sử dụng ít nhất 1 thiết bị điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối Internet...

Theo ông Lê Minh Tâm, bên cạnh những thành quả đạt được, trong năm 2024 và 2025, qua rà soát việc hoàn thành đạt chuẩn và nâng cao chất lượng các tiêu chí về văn hóa, thông tin và truyền thông, nhiều xã trên địa bàn đang cần đầu tư chuyển đổi hệ thống đài truyền thanh từ truyền thanh có dây/không dây FM sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (còn gọi là truyền thanh thông minh IP) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở. Ngoài ra, một số nhà văn hóa thôn chưa được đầu tư, nâng cấp đáp ứng theo yêu cầu, chưa được lắp đặt mạng phát sóng wifi. Trong điều kiện còn khó khăn về kinh phí, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, thị xã đã rà soát, thống kê và báo cáo nhu cầu vốn hỗ trợ đài truyền thanh, trang thiết bị nhà văn hóa, dụng cụ thể thao của 12 xã trên địa bàn thị xã, đề nghị Sở Tài chính xem xét, hỗ trợ 100% kinh phí, với hơn 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ các xã hoàn thành đạt chuẩn và nâng cao chất lượng các tiêu chí về văn hóa, thông tin và truyền thông trong Chương trình NTM năm 2024 và 2025.

HỒNG ĐĂNG

Trích nguồn "Báo Khánh Hòa"

https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202407/ninh-hoatich-cucchuyen-doi-so-trong-xay-dung-nong-thon-moi-e180fce/