Nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Chia sẻ kinh nghiệm làm giàu
Vượt khó vươn lên
Khác với không khí rộn rã của Phiên chợ nông sản và sản phẩm OCOP tỉnh 2024 vừa được Hội Nông dân (HND) tỉnh tổ chức, chương trình song hành là hội thảo “Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh giỏi trong nông dân vùng ĐBDTTS và miền núi” có những giây phút lắng đọng, sẻ chia của nông dân về những thuận lợi, khó khăn, mong muốn của mình trong quá trình sản xuất.
Nông dân người dân tộc thiểu số đến từ Khánh Vĩnh bán hàng tại Phiên chợ nông sản và sản phẩm OCOP 2024. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã hiểu thêm về hành trình vượt khó, quyết tâm thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương của gia đình ông Cao Dũng - hội viên, nông dân người Raglai ở xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn. Ông đã không ngừng học tập kinh nghiệm sản xuất và ứng dụng trên khu vườn 200 cây sầu riêng của mình. Nhờ sự kết nối của HND xã Sơn Lâm, ông được một doanh nghiệp hướng dẫn, áp dụng quy trình chăm sóc sầu riêng theo phương pháp hữu cơ. Nhờ đó, vườn sầu riêng nhà ông phát triển tốt, chất lượng và hương vị của trái sầu riêng cũng được đánh giá cao hơn. 200 cây sầu riêng theo hướng hữu cơ của gia đình ông năm nay dự kiến sản lượng hơn 15 tấn, thu nhập hơn 1,1 tỷ đồng.
Tại huyện Khánh Vĩnh, gia đình nông dân Quách Tuấn Nghĩa - người dân tộc Mường ở xã Khánh Trung thoát gian khó nhờ sự nỗ lực vươn lên và sự trợ lực kịp thời, thiết thực từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Trên diện tích đất 2ha, trong 10 năm qua, gia đình ông được HND xã tín chấp, tạo điều kiện cho vay vốn hộ nghèo để đầu tư phát triển sản xuất. Từ cây bưởi da xanh, cộng với ý chí vươn lên, không ngừng học hỏi, siêng năng lao động, quy mô sản xuất của gia đình ông không ngừng được nâng lên, hiệu quả kinh tế cũng tăng. “Cây bưởi đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình tôi hơn 300 triệu đồng/năm. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, tôi đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cây giống cho các hộ nghèo tại địa phương để cùng nhau làm ăn và cùng vươn lên trong cuộc sống” - ông Nghĩa cho biết.
Sau hành trình nỗ lực, vượt khó, các nông dân tham gia hội thảo đều xây dựng được những mô hình thành công, là những điển hình trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Điển hình như lãnh đạo Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, thu mua nông sản Hiệu Linh (Khánh Vĩnh) trao đổi về quá trình xây dựng mô hình HTX góp phần phát triển vùng ĐBDTTS và miền núi. Lãnh đạo Sakura Farm (Khánh Sơn) chia sẻ về những giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân địa phương. Lãnh đạo HTX sầu riêng hữu cơ xã Sơn Trung (Khánh Sơn) chia sẻ về những kinh nghiệm, quy trình, cách thức trong quá trình xây dựng và đăng ký mã số vùng trồng cho cây sầu riêng. Hơn 23ha sầu riêng của HTX này đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, góp phần ổn định đầu ra bền vững hơn cho cây trồng chủ lực này.
Đồng hành, trợ lực cho nông dân
Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, những năm qua, Ban Dân tộc và HND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ trong việc đồng hành, hỗ trợ nông dân trong quá trình triển khai các nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, chú trọng một số dự án, tiểu dự án liên quan trực tiếp đến người dân, nhất là hộ nông dân là ĐBDTTS tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Các giải pháp tập trung vào việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng ĐBDTTS và miền núi…
Ông Huỳnh Tấn Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh, hàng năm, Sở Công Thương tổ chức các đợt chợ phiên dành riêng cho các sản phẩm được làm ra từ vùng ĐBDTTS và miền núi của tỉnh; hỗ trợ chi phí thuê kệ hàng để trưng bày, bán sản phẩm vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh tại Siêu thị Co.opmart Nha Trang; tạo điều kiện để các mặt hàng từ khu vực này tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, hội nghị, phiên chợ… do ngành Công Thương tổ chức trong và ngoài tỉnh.
Với vai trò của mình, những năm qua, Liên minh HTX tỉnh tập trung hình thành kinh tế tập thể, HTX ở vùng ĐBDTTS và miền núi. Chỉ tính từ năm 2022 đến tháng 6-2024, Liên minh HTX tỉnh đã vận động thành lập 12 HTX ở khu vực này. Cùng với đó là triển khai hỗ trợ các HTX xây dựng các chuỗi giá trị. Chẳng hạn hỗ trợ HTX Sản xuất và tiêu thụ nông sản Hiệu Linh 125 triệu đồng để xây dựng chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh; hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng ĐBDTTS và miền núi; tổ chức Phiên chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng ĐBDTTS và miền núi…
Theo bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch HND tỉnh, những năm qua, các cấp HND trong tỉnh đã đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp trong vùng ĐBDTTS và miền núi theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo ra sản phẩm đặc sản có giá trị cao, phát huy thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn tỉnh. Hội cũng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân vùng ĐBDTTS và miền núi từ sản xuất quảng canh, nhỏ lẻ, manh mún chuyển sang phương thức sản xuất hàng hóa, hợp tác, liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững. Đồng thời, xây dựng và phát triển sản phẩm nông sản theo hướng đa dạng, độc đáo, chất lượng cao. Qua hội thảo, nông dân có dịp trao đổi, chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp, HTX tiêu thụ sản phẩm có được góc nhìn đầy đủ hơn về sản phẩm nông sản. Các cấp HND và sở, ngành, đơn vị liên quan có cái nhìn đầy đủ hơn về thực trạng phát triển nông nghiệp, đưa ra được nguyên nhân, bài học, cơ hội, thách thức, định hướng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hợp tác, liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững.
HỒNG ĐĂNG
Trích nguồn "Báo Khánh Hòa"