Nuôi tôm nước lợ là một trong những nhóm đối tượng chủ lực đã được xác định của Ngành thủy sản Việt Nam. Xu hướng phát triển của ngành tôm thế giới cũng đi theo hướng ứng dụng công nghệ cao nhằm đạt hiệu quả về năng suất và đảm bảo chất lượng. Công ty Cổ phần Thủy sản Việt Úc là đơn vị đã và đang ứng dụng nhiều công nghệ vượt trội trong lĩnh vực này.
Thả tôm giống theo mô hình siêu thâm canh trong nhà kính
Các ưu điểm của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh
Hiện nay, kỹ thuật nuôi tôm siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng đã và đang được chú trọng nghiên cứu và phát triển ở một số quốc gia như Mỹ, Đài Loan, Indonesia, …Vì đây là loài tôm có khả năng chịu đựng và lớn nhanh ở mật độ cao, ít phân đàn, ít ăn nhau và thời gian nuôi ngắn. Việc nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà bạt có nhiều ưu điểm là: ít bị tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết, các chỉ số được duy trì ổn định. Áp dụng hệ thống tuần hoàn nên môi trường nước nuôi ổn định, hạn chế sử dụng nước, hạn chế tối thiểu việc thải nước thải ra ngoài gây ô nhiễm, đảm bảo an toàn sinh học và vì thế được xem là mô hình thân thiện môi trường. Năng suất tôm nuôi cao nhưng giảm thiểu diện tích nuôi, có thể áp dụng ở nhiều nơi khác nhau, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Xuất phát từ mô hình nuôi tôm tuần hoàn trong chương trình chọn giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ, Công ty Việt Úc đã phát triển mô hình này trên thực tế với quy mô diện tích 500 m2 với mật độ thả ban đầu 500 con/m2, cho năng suất có thể đạt từ 80 – 100 tấn/ha/vụ. Để đảm bảo một ngành nuôi tôm ổn định, bền vững, thích nghi được với điều kiện biến đổi khí hậu cũng như các tác động bất ổn từ dịch bệnh, Việt Úc đã định hướng phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh với việc áp dụng các công nghệ cao, hiện đại của thế giới.
Công nghệ nhà kính công nghệ cao Israel được áp dụng trong mô hình này, ngoài việc đảm bảo yêu cầu kết cấu bền vững, yêu cầu cho việc thực hiện cơ giới hoá đến mức cao nhất các công đoạn sản xuất, nhà kính còn có thể cho phép đáp ứng đến mức cao nhất các nhu cầu về kiểm soát “tiểu khí hậu nhà kính”; kiểm soát “sinh học nhà kính”; kiểm soát “dịch hại nhà kính” để đáp ứng điều kiện biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh với việc áp dụng các công nghệ cao, hiện đại của thế giới.
Điều kiện kỹ thuật được áp dụng
Để đảm bảo mô hình nuôi có chất lượng nước ổn định và không gây ô nhiễm môi trường, Công ty Việt Úc đã mạnh dạn đầu tư hệ thống xử lý nước tuần hoàn của Mỹ và Hà Lan. Hệ thống tuần hoàn sẽ được xử lý qua ba bước gồm các bước lọc tuần hoàn như sau:
Hệ thống lọc trống: nước trong tất cả ao nuôi trong hệ thống đều được chuyển về hệ thống lọc trống (HydrotechTM Drumfilter) để giảm thiểu lượng hữu cơ từ phân tôm cũng như thức ăn thừa, đây là một trong những hệ thống lọc có lưu lượng lớn và hoạt động một cách tự động tùy theo chất lượng nước ở từng giai đoạn.
Hệ thống lọc trống có công suất lọc từ 2 – 1300 lít/giây (78 m3/phút) với kích cỡ màng lọc dao động từ 30 – 500µ. Với hệ thống này, phân tôm và thức ăn thừa có thể được đưa ra khỏi hệ thống nuôi thông qua hệ thống rửa màng lọc tự động. Việc đưa các chất hữu cơ lơ lửng ra khỏi hệ thống nuôi thông qua hệ thống lọc trống sẽ giúp cho hệ lọc sinh học theo công nghệ MBBR (Moving Bed Biofilm Reactor) giảm tải và cho sức tải sinh học cao hơn nên mật độ nuôi và năng suất tôm nuôi sẽ được cải thiện.
Hệ thống xử lý nước bằng đèn UV: Nước sau khi qua hệ thống lọc trống sẽ được khử trùng toàn bộ bằng hệ thống đèn UV. Đây là hệ thống có chi phí đầu tư và vận hành thấp, dễ dàng vệ sinh và các bóng đèn theo công nghệ mới có tuổi thọ cao.
Hệ thống lọc sinh học theo công nghệ MBBR: Yếu tố quan trọng nhất trong công nghệ MBBR chính là khả năng xử lý nước thải của lớp màng vi sinh bám dính trên giá thể sinh học. Lớp màng sinh học là quần thể các vi sinh vật phát triển trên bề mặt giá thể. Chủng loại vi sinh vật trong màng sinh học tương tự hầu hết các màng sinh học tự nhiên, bao gồm các các cộng đồng vi khuẩn phức tạp với nhiều loài.
Ngoài ra, tất cả các thông số môi trường trong ao nuôi được kiểm soát tự động. Dữ liệu đo được tích hợp vào phần mềm máy tính và có các đường biểu diễn các thông số môi trường và đưa ra các cảnh báo kịp thời thời âm thanh hoặc xử lý tự động khi các chỉ tiêu vượt quá ngưỡng cho phép như Oxy. Cùng với đó, công nghệ cho ăn tự động cũng được áp dụng công nghệ của Úc với việc cho ăn theo yêu cầu của tôm nuôi sử dụng các đầu dò sóng siêu âm Sonar.
Nguồn thức ăn cho hệ thống này sẽ được áp dụng với loại thức ăn chất lượng cao với nguồn nguyên liệu đầu vào theo công nghệ vật liệu NOVACQ, có thể biến một lượng lớn nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp như bã mía, vỏ trấu,…thành nguồn nguyên liệu thay thế bột cá và tốc độ tăng trưởng của tôm nuôi lại cao hơn.
Nguồn tôm giống nuôi phục vụ cho mô hình đến từ các quần đàn tôm chọn giống thế hệ G4 trong chương trình chọn giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ của Tập Đoàn Việt Úc với Viện CSIRO của Úc kéo dài từ cuối năm 2011 đến 2021. Kết quả khảo nghiệm qua thế hệ G3 cho thấy hệ số di truyền ước tính mỗi thế hệ trong khoảng từ 0,53-0,57, hiệu quả chọn giống ước tính tăng về sinh trưởng qua mỗi thế hệ chọn giống từ 14,5 - 24,2%.
Theo kế hoạch của Công ty Việt Úc, sau khi triển khai và rút kinh nghiệm từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính tại Hòa Bình – Bạc Liêu với qui mô 50 ha thành công, sẽ tiếp tục triển khai thêm 300 ha trong năm 2015 và dự kiến đến năm 2018 đạt diện tích 1000 ha. Ngoài công nghệ nuôi siêu thâm canh nêu trên, Tập đoàn Việt – Úc đã và đang đầu tư rất nhiều cho việc ứng dụng các công nghệ vượt trội khác cho ngành thủy sản.
Nguồn fistenet.gov.vn