Kỹ Thuật Thủy Sản

Nuôi tôm trong bể xi măng, tỷ lệ thành công đạt 95%

13/11/2023

Mô hình nuôi tôm trong bể xi măng do Trường Đại học Trà Vinh thực hiện giảm được 20% chi phí thức ăn, tôm phát triển nhanh, tỷ lệ thành công lên đến 95%.

Nối tiếp thành công của dự án nuôi tôm sú bố mẹ sạch bệnh và nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn với công nghệ lót bạt, Trường Đại học Trà Vinh đang thí điểm mô hình nuôi tôm trong bể xi măng, được thực hiện hoàn toàn trong nhà kính từ giai đoạn ương nuôi ấu trùng đến khi thu hoạch.

Kỹ thuật nuôi mới này sử dụng máy thổi nước phối trộn không khí theo công nghệ châu Âu thay cho cánh quạt nước thông thường để đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan trong nước, đáp ứng nhu cầu của tôm. Nếu nuôi tôm theo phương thức quảng canh hoặc nuôi công nghiệp đa phần phụ thuộc vào yếu tố thời tiết thì mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng giúp người nuôi hoàn toàn chủ động được điều kiện bên ngoài và thời vụ nuôi.

Mô hình nuôi tôm trong bể xi măng của Trường Đại học Trà Vinh sử dụng máy thổi nước phối trộn không khí theo công nghệ châu Âu thay cho cánh quạt nước thông thường. Ảnh: Hồ Thảo.

Mô hình nuôi tôm trong bể xi măng của Trường Đại học Trà Vinh sử dụng máy thổi nước phối trộn không khí theo công nghệ châu Âu thay cho cánh quạt nước thông thường. Ảnh: Hồ Thảo.

Khi thu hoạch, chỉ cần mở van để tháo cạn nước rồi đặt túi lưới là có thể thu toàn bộ số tôm nên vừa không bị thất thoát, lại tiết kiệm được công lao động. Đáng nói, mô hình này không yêu cầu phải có diện tích lớn nên có thể nhân rộng và phát triển tốt theo hình thức nuôi hộ gia đình.

Ông Đỗ Văn Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Trà Vinh) cho biết: "Nhìn chung bà con nuôi hiện nay hệ số thức ăn quá cao. Chúng tôi nghiên cứu nuôi với mật độ như bên ngoài để đánh giá xem bà con cho ăn như vậy lượng thức ăn có dư hay không để khuyến cáo điều chỉnh lại lượng thức ăn cho phù hợp. Hiện Trung tâm đang nuôi theo hướng tôm sạch, hoàn toàn không sử dụng kháng sinh, chỉ cho ăn thảo dược. Giai đoạn đầu chúng tôi mới nuôi quy mô nhỏ trong nhà gồm có 6 hồ, mỗi hồ 40m3 hoàn toàn nuôi khép kín, không bị tác động bởi thời tiết, gió hay mưa bão".

Theo ông Trường, việc nuôi tôm trong bể xi măng được xây dựng theo từng ô riêng biệt cùng với hệ thống lọc nước giúp người nuôi kiểm soát được nguồn nước đưa vào bể, lại không chịu tác động của môi trường nước bên ngoài nên hạn chế được các loại dịch bệnh trên tôm.

Trong trường hợp xuất hiện dịch bệnh, do các bể nuôi được xây dựng theo từng ô riêng biệt nên người nuôi cũng dễ dàng xử lý và khoanh vùng, khắc phục được tình trạng tôm chết hàng loạt, giúp người nuôi giảm tổn thất so với việc nuôi ngoài ao, đầm.

Trường Đại học Trà Vinh đang thí điểm mô hình nuôi tôm trong bể xi măng, được thực hiện hoàn toàn trong nhà kính từ giai đoạn ương nuôi ấu trùng đến khi thu hoạch. Ảnh: Hồ Thảo.

Trường Đại học Trà Vinh đang thí điểm mô hình nuôi tôm trong bể xi măng, được thực hiện hoàn toàn trong nhà kính từ giai đoạn ương nuôi ấu trùng đến khi thu hoạch. Ảnh: Hồ Thảo.

Quy trình nuôi tôm trong bể xi măng, sử dụng máy thổi nước phối trộn theo công nghệ châu Âu và cho tôm ăn hoàn toàn bằng thảo dược giúp người nuôi giảm khoảng 20% chi phí thức ăn. Tôm nuôi đến khoảng 50 ngày sẽ đạt 100 con/kg, so với nuôi cùng mật độ thì tôm nuôi trong bể xi măng ở nhà kính phát triển nhanh, độ an toàn dịch bệnh được đảm bảo lên đến 80%.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận mô hình này chi phí đầu tư ban đầu sẽ cao hơn nuôi tôm ngoài trời từ 30 - 40%, nhưng nếu xét về yếu tố lâu dài thì vẫn có lợi hơn, vì thời gian sử dụng kính và bể xi măng lên đến từ 10 - 15 năm.

“Nuôi trong bể xi măng kiểm soát được lượng thức ăn, không dư mà cũng không cho tôm ăn thiếu, hàng ngày có thể dễ dàng đo, kiểm tra môi trường... Điều quan trọng nhất là theo nghiên cứu, mô hình nuôi này có thể đạt tỷ lệ thành công đến 95%, mở ra hướng đi mới trong ngành nuôi tôm của tỉnh để cải thiện năng suất vụ nuôi, có thể nhân rộng trong thời gian tới”, ông Đỗ Văn Trường nhấn mạnh.

Tỉnh Trà Vinh khuyến khích người nuôi tôm áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Ảnh: Hồ Thảo.

Tỉnh Trà Vinh khuyến khích người nuôi tôm áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Ảnh: Hồ Thảo.

Đối với ngành nuôi trồng thủy sản, việc ứng dụng khoa học công nghệ được xác định là giải pháp phát triển bền vững, nhất là giúp giảm chi phí sản xuất. Vì thế, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã và đang tuyên truyền, khuyến khích nuôi tôm phát triển theo hướng này. Đối với những nông hộ nhỏ, chưa có điều kiện đầu tư, ngành nông nghiệp khuyến khích người nuôi thực hiện có hiệu quả từng bước trong quy trình nuôi như nguồn giống, thức ăn, phòng bệnh và thường xuyên vệ sinh ao nuôi.

"Chúng tôi tự hào là một trong những tỉnh tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm và chuyển đổi số trong ngành thủy sản. Ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu suất vụ nuôi và mở ra hướng phát triển mới cho ngành thủy sản của tỉnh", ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh nói.

Hồ Thảo

Trích nguồn "Báo Nông nghiệp VN"

https://nongnghiep.vn/nuoi-tom-trong-be-xi-mang-ty-le-thanh-cong-dat-95-d367839.html 


Tin cùng chuyên mục