Nằm trong chuỗi chương trình xúc tiến thương mại năm 2024, phiên chợ đặc sản vùng miền Khánh Hòa do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) tổ chức đã giới thiệu đến người dân, du khách nhiều sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của các vùng miền. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh.
80 gian hàng tham gia với nhiều sản phẩm
Diễn ra từ ngày 30-5 đến 2-6 tại khu vực Công viên Yến Phi và Công viên Thiếu nhi (TP. Nha Trang), phiên chợ đặc sản vùng miền Khánh Hòa năm 2024 có 80 gian hàng của 65 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm chủ yếu, gồm: Nông sản, thủy sản chế biến, trái cây, đồ hộp, bánh kẹo, thực phẩm công nghệ, phụ gia thực phẩm, các mặt hàng đồ uống, thức ăn nhanh… Đây là các sản phẩm được chứng nhận OCOP và sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của các vùng miền. Đang lựa mua táo đỏ, bà Dương Thị Bé Chín - du khách đến từ tỉnh Bến Tre chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 tôi đến Nha Trang và cả 2 lần đều đúng dịp diễn ra phiên chợ đặc sản vùng miền Khánh Hòa. Tôi thấy phiên chợ tuy không hoành tráng, có nhiều mặt hàng như các hội chợ khác nhưng sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mang nét đặc trưng riêng. Tôi đã mua được một số sản phẩm của Khánh Hòa và các vùng miền về làm quà cho bạn bè, người thân”.
Nhiều năm liền tham gia phiên chợ đặc sản vùng miền Khánh Hòa, ông Nguyễn Hữu Vương - đại diện gian hàng của tỉnh Lào Cai cho biết: “Đây là hoạt động xúc tiến thương mại uy tín và hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giới thiệu sản phẩm vùng núi Tây Bắc ra thị trường. Thông qua phiên chợ, nhiều người dân phố biển từng dùng sản phẩm của chúng tôi tiếp tục quay lại ủng hộ. Đây là thành công lớn của chúng tôi khi tham gia giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng. Chúng tôi mong muốn những lần tổ chức sau, phiên chợ diễn ra nhiều ngày hơn để người tiêu dùng có thời gian tìm hiểu sản phẩm”. Thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn luôn có sức hút mãnh liệt với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Tại phiên chợ lần này, gian hàng sầu riêng Khánh Sơn tuy có giá khá cao, dao động từ 90.000 đến 110.000 đồng/kg nguyên trái, 250.000 đồng/kg ruột nhưng vẫn thu hút rất đông khách hàng thưởng thức. Theo đại diện gian hàng sầu riêng Khánh Sơn, nhờ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm ngày càng được nhiều người biết đến, góp phần đưa thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn vươn xa hơn.
Gian hàng sầu riêng Khánh Sơn luôn thu hút đông khách hàng. |
Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt
Theo ông Huỳnh Tấn Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương, sau nhiều năm tổ chức, phiên chợ đặc sản vùng miền Khánh Hòa đã trở thành hoạt động thường niên được nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng biết đến. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa quan trọng nhằm đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; tạo điều kiện cho các đơn vị tăng cường liên doanh liên kết mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm, góp phần kích thích sản xuất, phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của người dân và du khách.
Bên cạnh sức hút từ các sản phẩm đặc trưng vùng miền, phiên chợ năm nay cũng là dịp để các doanh nghiệp, ngân hàng triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 5019 của UBND tỉnh. Tại phiên chợ, Ban tổ chức đã phát động mô hình “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt”, thu hút sự tham gia của 7 doanh nghiệp, ngân hàng cung cấp các ứng dụng, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, gồm: Công ty Cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNpay), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng Bắc Á, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Tiên Phong và Ngân hàng Nam Á. Các đơn vị tư vấn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp về những tiện ích của các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Theo ghi nhận, tại phiên chợ có nhiều người tiêu dùng đã sử dụng các ứng dụng để thanh toán, không dùng tiền mặt. Bà Nguyễn Thị Hoa (phường Xương Huân, TP. Nha Trang) cho biết: “Trước đây, tôi đi mua sắm hàng hóa đều dùng tiền mặt để trả, có lần để tiền trong túi lấy ra lấy vào nhiều bị rơi mất 1 triệu đồng lúc nào không hay. Từ đó, tôi hạn chế dùng tiền mặt, vì hiện nay điểm kinh doanh nào cũng có số tài khoản và mã QR rất tiện cho việc thanh toán. Tôi nghĩ, những phiên chợ như thế này càng nên dùng ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, vì đông người để tiền mặt trong túi không an toàn”.
C.VÂN
Trích nguồn "Báo Khánh Hòa"