Kỹ Thuật Lâm Nghiệp

Siết quản lý giống cây lâm nghiệp để nâng chất lượng rừng trồng

27/10/2023

Để nâng cao chất lượng rừng trồng, Bình Định đang siết chặt quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định có 173 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, trung bình mỗi năm sản xuất 200 triệu cây giống. Trong đó, có 3 doanh nghiệp sản xuất giống cấy mô là Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, Công ty TNHH Vũ Hà, Doanh nghiêp tư nhân Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh. Từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp cung ứng ra thị trường được gần 123 triệu cây giống các loại.

Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (Bình Định) sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng công nghệ cấy mô. Ảnh: V.Đ.T.

Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (Bình Định) sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng công nghệ cấy mô. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Quản lý và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm Bình Định), trong năm 2023, theo kế hoạch, Bình Định sẽ trồng 8.780ha rừng, trong đó có 160ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, còn lại là rừng sản xuất. Từ đầu năm đến nay, các địa phương trên địa bàn Bình Định đã trồng được gần 2.890ha rừng. Bình Định đang vào mùa mưa, đây là thời điểm vào vụ trồng rừng chính. Hiện các đơn vị hoạt động trong ngành lâm nghiệp và hộ trồng rừng ở Bình Định đã sẵn sàng bước vào vụ trồng rừng mới.

Cũng theo ông Lâm, những năm gần đây, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành lâm nghiệp và hộ trồng rừng ở Bình Định đã chuyển mạnh sang trồng rừng gỗ lớn. Để nâng cao chất lượng rừng trồng, người trồng rừng ở Bình Định cũng đã chuyển từ sử dụng cây giống lâm nghiệp giâm hom sang sử dụng cây giống cấy mô, hướng tới nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế rừng trồng.

Theo ông Phạm Bá Hiếu, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật quản lý, bảo vệ rừng thuộc Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, công tác sản xuất cây giống lâm nghiệp của Công ty tập trung vào 2 loài cây chủ lực là keo và bạch đàn theo phương pháp giâm hom và nuôi cấy mô, nhưng chiếm đa số là cây giống nuôi cấy mô.

Vườn giống cây lâm nghiệp của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Vườn giống cây lâm nghiệp của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Trong năm 2022, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn tiếp tục liên kết với Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ sinh học để sản xuất cây giống lâm nghiệp chất lượng bằng công nghệ nuôi cấy mô phục vụ công tác trồng rừng của Công ty và cung ứng cho thị trường.

“Trong năm 2023, theo kế hoạch, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn sẽ trồng gần 195ha rừng sản xuất và hơn 63ha rừng thay thế. Đến nay, Công ty đã hoàn thành công tác đào hố, bón lót, sau những cơn mưa đầu mùa, Công ty đã bắt đầu triển khai trồng rừng. Công tác trồng rừng năm 2023 dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11”, ông Phạm Bá Hiếu chia sẻ.

Theo ông Phạm Bá Nghị, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh (huyện Vân Canh, Bình Định), giai đoạn 2016 - 2020, Công ty đã thực hiện trồng rừng gỗ lớn với diện tích hơn 1.659ha, trong đó diện tích rừng trồng mới là hơn 298ha, diện tích rừng trồng lại sau khai thác hơn 732ha và hơn 628ha rừng trồng chuyển hóa.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh tiếp tục thực hiện trồng rừng gỗ lớn với diện tích hơn 1.407ha, trong đó rừng trồng lại sau khai thác là hơn 552ha, rừng gỗ lớn được nuôi theo hình thức chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn là gần 855ha.

Diện tích rừng gỗ lớn của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn ( Bình Định) trồng tại huyện Tây Sơn. Ảnh: V.Đ.T.

Diện tích rừng gỗ lớn của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn ( Bình Định) trồng tại huyện Tây Sơn. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) cho biết, giai đoạn 2023 - 2025, theo kế hoạch, Công ty sẽ khai thác rừng trồng gỗ nhỏ và trồng lại rừng gỗ lớn với diện tích gần 287ha. Trong đó năm 2023 sẽ khai thác, trồng lại rừng gỗ lớn trên địa bàn 2 xã Đăk Mang và Bok Tới (huyện Hoài Ân) hơn 89ha; năm 2024 tiếp tục thực hiện tại 2 xã Đăk Mang và Bok Tới (huyện Hoài Ân) và xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh) với diện tích 117,5ha. Năm 2025 đơn vị này sẽ tiếp tục trồng mới tại xã Đăk Mang với diện tích 80ha.

Theo ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Quản lý và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm Bình Định), tính đến nay, trên địa bàn Bình Định đã có 3.175ha rừng gỗ lớn, phấn đấu hết năm nay tăng đến 4.450ha, hướng đến mục tiêu 10.000ha trong năm 2025 và 30.000ha vào năm 2035. Để nâng cao chất lượng rừng trồng, những năm qua, Bình Định đã thực hiện siết quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp sản xuất trên địa bàn. Ngành chức năng Bình Định thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành lâm nghiệp và hộ trồng rừng ở Bình Định đã chuyển mạnh sang trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: V.Đ.T.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành lâm nghiệp và hộ trồng rừng ở Bình Định đã chuyển mạnh sang trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: V.Đ.T.

“Đến nay, Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân đã phối hợp với ngành chức năng kiểm tra 16 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn. Chúng tôi kiểm tra giấy phép đăng ký kinh doanh, hồ sơ công nhận vườn cây giống đầu dòng, hồ sơ ghi chép theo dõi quy trình sản xuất cây giống, số lượng nhập và xuất bán cây giống… Kết quả cho thấy, tất cả các cơ sở đều hoạt động đúng theo quy định”, ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân cho hay.

“Để giám sát chất lượng cây giống lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã thành lập hội đồng thẩm định nguồn giống cây trồng lâm nghiệp khi đơn vị sản xuất giống có đơn đề nghị công nhận nguồn giống. Nhân sự của hội đồng thẩm định gồm Chi cục Kiểm lâm, Phòng Kế hoạch Tổng hợp (Sở NN-PTNT), chuyên gia và đại diện phòng NN-PTNT, phòng kinh tế các huyện, thị xã, đây là lực lượng tham mưu cho Sở NN-PTNT về quyết định công nhận nguồn giống”, ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết.

Vũ Đình Thung

Trích nguồn "Báo Nông nghiệp VN"

https://nongnghiep.vn/siet-quan-ly-giong-cay-lam-nghiep-de-nang-chat-luong-rung-trong-d365766.html