Trải qua 5 năm nghiên cứu ở phòng thí nghiệm và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng tại bể nuôi ốc hương, đến nay, Tiến sĩ Mai Duy Minh - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã hoàn thành quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương và bán ra thị trường. Nhiều hộ nông dân đã tiên phong sử dụng thức ăn mới đem lại hiệu quả kinh tế trong nuôi thương phẩm. Tiến sĩ Mai Duy Minh - tác giả của công trình nghiên cứu cho biết:
Từ khi thả ốc giống đến nay, tôi sử dụng 100% thức ăn công nghiệp mà mình nghiên cứu và sản xuất ra. Kích cỡ ốc khoảng 120 con/kg thì có thể xuất bán, giá bán từ 230.000 đến 280.000 đồng/kg. Nếu ai có vốn, chọn vị trí sát bờ biển xây trại nuôi, bơm nước biển vào cho chảy tuần hoàn, đảm bảo một vốn - một lời.
Mang lại nhiều lợi ích
Tiến sĩ Mai Duy Minh cho ốc hương ăn thức ăn công nghiệp tại bể xi măng. |
- Cách đây 2 năm, tôi nhìn thấy vỏ của ốc hương nuôi trong bể có màu bạc, chứng tỏ ốc không được khỏe. Bây giờ thấy vỏ ốc sáng màu giống như đánh bắt ngoài tự nhiên, vì sao lại có độ chênh lệch như vậy, thưa ông?
- Thời kỳ đó đang trong quá trình nuôi thử nghiệm ốc hương ở trong bể xi măng, đồng thời nghiên cứu công thức sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương. Từ thực tiễn nuôi tại bể, vỏ ốc bị tróc lớp nhung, màu trắng nhạt, chứng tỏ ốc không được khỏe. Do đó, tôi đã nghiên cứu nguồn nước, chế độ thức ăn, điều chỉnh lại hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn, sau đó đàn ốc nuôi đã phát triển tốt hơn, bán ra thị trường thu được lợi nhuận.
Thức ăn công nghiệp nuôi ốc hương. |
- Nếu dừng lại ở việc nuôi trong bể xi măng thì mới chỉ thành công về mặt khoa học, điều quan trọng là làm sao chuyển giao quy trình nuôi thương phẩm cho người dân để đem lại lợi nhuận cao. Vậy, ông đã thực hiện như thế nào?
- Trong quá trình nuôi thử nghiệm, tôi làm hai mô hình nuôi ốc hương trong bể xi măng và nuôi ốc hương ở ao đìa. Từ đó, mới tính toán được sức tải môi trường nước, chế độ sinh dưỡng cho ốc phát triển, giá thành của sản phẩm, thời gian nuôi, hiệu quả kinh tế trên diện tích nuôi. Cách đây không lâu, một hộ nuôi ở tỉnh Bình Định đã thu hoạch được 2,5 tấn ốc hương nuôi ở đìa, doanh thu hơn 500 triệu đồng, trừ mọi chi phí (trong đó tổng số tiền mua thức ăn công nghiệp cho ốc hương 160 triệu đồng) còn lãi hơn 150 triệu đồng. Hiện nay, nhiều hộ khác ở các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa nuôi ốc hương đã mua hàng tấn thức ăn công nghiệp. Điều đó cho thấy, thức ăn công nghiệp cho ốc hương đã được thị trường chấp nhận, người dân nuôi đạt hiệu quả kinh tế khá.
- Ông có đánh giá gì về ưu điểm của loại thức ăn công nghiệp so với thức ăn cá tạp mà người dân đang sử dụng để nuôi ốc hương?
- Sử dụng thức ăn công nghiệp nuôi ốc hương giải quyết được mấy vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, trong quá trình sản xuất thức ăn công nghiệp đã làm sạch các mầm bệnh, đảm bảo đủ về chất lượng dinh dưỡng. Sử dụng thức ăn công nghiệp bằng viên khô, kích cỡ phù hợp thì ốc hương sẽ ăn hết, giảm thiểu chất thải từ thức ăn. Còn sử dụng các loại cá tạp có nguy cơ nhiễm mầm bệnh, chất bảo quản; hàng ngày ở đáy đìa nuôi còn dư thừa một lượng lớn xương cá, vảy cá dẫn đến lượng nước xả thải từ ao nuôi gây ô nhiễm môi trường..., qua thời gian nuôi lâu ngày tích tụ tạo ra lớp bùn đen ở mặt đáy hồ nuôi gây ô nhiễm, dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch bệnh làm ốc chết hàng loạt. Thứ hai, quá trình nuôi ốc hương sử dụng thức ăn công nghiệp cần ít nhân công hơn. Thứ ba, nuôi bằng thức ăn công nghiệp giúp ốc phát triển đồng đều vì viên thức ăn được rải đều khắp mặt đáy hồ, ốc nuôi không phải cạnh tranh thức ăn. Ngoài ra, việc thay thế thức ăn tươi bằng thức ăn công nghiệp trong nuôi ốc hương cũng đóng góp rất tích cực vào hoạt động khai thác có trách nhiệm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Giúp dễ dàng truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu
Ốc hương nuôi bằng thức ăn công nghiệp xuất bán ra thị trường. |
- Tiến sĩ có đưa ra thông tin ở trên là “xây trại nuôi, bơm nước biển vào cho chảy tuần hoàn, đảm bảo một vốn - một lời”. Vậy, phương án xây trại như thế nào là tối ưu?
- Ốc hương ưa thích môi trường nước sạch, đáy ao càng sạch ốc càng phát triển nhanh. Qua mấy năm nghiên cứu nuôi thử nghiệm trong bể xi măng ở xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh), do trại nuôi của tôi ở cách xa bờ biển, mỗi lần bơm nước khó khăn nên chỉ làm hệ thống nước lọc và chảy tuần hoàn, khoảng 2 - 3 tuần mới bơm nước biển vào thay, thời gian nuôi 6-7 tháng mới đạt được 150 con/kg. Để đạt hiệu quả cao, đối với những tỉnh như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận..., người nuôi nên chọn địa điểm sát bờ biển xây dựng trại nuôi bằng bể xi măng, thành bể cao 50cm, đặt mấy tấm pin năng lượng mặt trời tạo nguồn điện để bơm nước nước biển cho chảy tuần hoàn suốt ngày sẽ có môi trường nuôi giống như ngoài tự nhiên, kết hợp nuôi bằng thức ăn công nghiệp thì có thể nuôi với mật độ dày hơn ao đìa vẫn đạt năng suất cao. Với phương pháp nuôi như thế này, mỗi năm nuôi được 2 vụ, đặc biệt những tháng mùa mưa bão, nuôi ốc trong bể xi măng giúp chủ động kiểm soát được quy trình, dịp gần Tết thu hoạch bán với giá cao. Thời điểm này ốc hương thường bán giá cao vì ở Trung Quốc mùa đông lạnh giá gần như không nuôi được ốc hương, khai thác tự nhiên cũng khó khăn nên xuất khẩu ốc hương được giá.
- Các nước nhập khẩu mặt hàng thủy sản ngày càng đưa ra những điều kiện nghiêm ngặt, người nuôi ốc hương cần phải làm gì để đáp ứng được các quy định quốc tế?
- Lâu nay, người nuôi ốc hương bán cho thương lái xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dưới dạng tươi sống, chưa đòi hỏi truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, sắp tới, chắc chắn thị trường nhập khẩu sẽ đòi hỏi các loại giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm nên nuôi ốc hương bằng cá tạp là một trong những rào cản trong việc truy xuất nguồn gốc thức ăn. Do đó, nuôi ốc hương theo mô hình sử dụng thức ăn công nghiệp có hồ sơ quy trình sản xuất, công bố hàm lượng dinh dưỡng... được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép sản xuất là xu hướng tất yếu. Đây cũng là cơ hội để xuất khẩu ốc hương sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ nhằm mở thêm thị trường, ổn định giá bán, nâng cao thu nhập cho người nuôi.
- Xin cảm ơn ông!
HẢI LUẬN (Thực hiện)
Trích nguồn "Báo Khánh Hòa"