Ông Phương Thục, một người nuôi tôm ở thôn Xuân Tự 1, xã Vạn Hưng, cho biết: Hiện nay nhiều diện tích nuôi tôm trải bạt trên địa bàn đã thả vụ 3 được trên dưới một tháng.
Gia đình ông Thục vụ nuôi thứ 3 trên toàn bộ diện tích ao nuôi. Theo đó, với diện tích 1 ha, ông Thục chia ra nhiều ao nuôi nhỏ, trong đó diện nuôi chỉ gần 4.000 m2, còn lại các ao lắng. Việc đầu tư ao nuôi lót bạt và các ao lắng rất quan trọng trong việc ngăn ngừa mầm bệnh lây lan từ bên ngoài vào ao nuôi. Hơn nữa việc đầu tư ao lắng sẽ chủ động nguồn nước cấp cho ao nuôi mà không cần phụ thuộc nguồn nước biển hay nguồn nước bị đục khi mưa hoặc xung quanh ao nuôi có dịch bệnh.
Theo ông Thục, bà con nơi đây từ khi áp dụng mô hình nuôi tôm trải bạt đã thấy hiệu quả rõ rệt so với ao đất. Cụ thể, năng suất thu hoạch cao gấp 10 lần so với ao đất, cùng với đó có thể nuôi được 3-4 vụ/năm. Trong khi trước đây nuôi trên ao đất nhiều khi nuôi một vụ cũng không xong. Với diện tích 4.000 m2, mỗi vụ ông Thục thả 50-60 vạn giống, năng suất thu hoạch đạt trên dưới 20 tấn/vụ.
Tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật mùa mưa bão
Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, tính đến tháng 10, tổng diện tích thả nuôi toàn tỉnh hơn 3.436 ha (trong đó, diện tích thả nuôi mặn, lợ hơn 2.898 ha) đạt 96% so với kế hoạch, với tổng sản lượng hơn 14.746 tấn (đạt 92%). Về diện tích thả nuôi tôm sú trong tháng 10 hơn 119 ha và diện tích thả nuôi tôm thẻ 671 ha, trong đó có140 ha tôm nuôi trải bạt được xem là nuôi chủ lực lấy sản lượng, phục vụ thị trường từ nay đến cuối năm.

Người nuôi tôm thẻ đang thu hoạch. Ảnh: KS.
Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết, vụ thứ 3 là vụ phụ bởi bước thời kỳ mưa bão, song nhiều người nuôi nước lợ ở Khánh Hòa vẫn thả nuôi để đón giá tôm vào dịp cuối năm, thường ở mức cao. Tuy nhiên Chi cục khuyến cáo người nuôi vụ này nên thả mật độ vừa phải, không dày quá, vì mùa mưa rất dễ làm thay đổi môi trường đột ngột khiến tôm nuôi bị thiệt hại.
Do đó để vụ nuôi này thành công, người nuôi cần cập nhập, theo dõi bám dự báo thông tin thời tiết để chủ động trong việc nuôi tôm. Còn khi có hiện tượng mưa lớn xảy ra thì người cần đề phòng trước như cần bằng độ pH trong ao, rải vôi xung quanh đìa, tăng cường quạt nước oxy nhằm tránh nước phân tầng gây thiếu oxy cục bộ cho tôm nuôi.
“Những điều kiện kỹ thuật này bà con phải nắm và thường xuyên làm như vậy mới nuôi đạt hiệu quả”, ông Én chia sẻ.
Người nuôi tôm hùm kỳ vọng
Xã Cam Bình, TP Cam Ranh được xem "thủ phủ" nuôi tôm hùm xanh ở tỉnh Khánh Hòa. Theo đó toàn xã đạt gần 90 ha, trong đó trên đảo Bình Ba 58 ha và đảo Bình Hưng 30 ha, với 469 bè nổi, gần 10.000 lồng chủ yếu nuôi tôm hùm xanh. Theo một lãnh đạo xã Cam Bình, sau khi hết giãn cách xã hội, tình hình tiêu thụ tôm hùm trên địa bàn có phần khả quan, các chủ nậu thu mua thường xuyên hơn, giá tôm hùm xanh xuất bán giao động từ 700 – 900 ngàn đồng/kg, còn tôm hùm bông từ 1,4 triệu đến 1,6 triệu đồng/kg.
Cũng theo vị lãnh đạo xã này, thường vào những dịp cuối năm, nhất là Tết dương lịch và Tết nguyên đán, thị trường tiêu thụ tôm hùm tăng mạnh, người dân xuất bán tương đối nhiều. Tuy nhiên để có tôm xuất bán vào những dịp này, đối với tôm hùm xanh người dân thường thả giống vào tháng 3-4 âm lịch, còn tôm hùm bông thả nuôi trước 6 đến 8 tháng.
Được biết, hiện người nuôi tôm hùm không tập trung đầu tư thả một lần mà chia ra nhiều đợt thả giống trong năm (3 tháng hoặc 4 tháng thả một đợt giống). Như vậy theo chu kỳ, người nuôi sẽ xuất bán tôm thịt 3-4 lần/năm. Và, vụ thu hoạch tôm vào dịp cuối năm, người nuôi rất kỳ vọng vì thường bán được giá.