Kỹ Thuật Trồng Trọt

Thạch đen mang 'vận đỏ' cho nông dân

26/08/2024

Cao Bằng Cây thạch đen được trồng ở ruộng, soi bãi, trên rẫy, mỗi năm người dân huyện Thạch An (Cao Bằng) thu về trăm tỷ đồng.

Cây trồng chủ lực

Thạch An nằm ở phía đông nam của tỉnh Cao Bằng, có khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng núi, chia thành hai mùa rõ rệt, mùa đông lạnh có sương muối, mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều; điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp trồng một số cây nông nghiệp đặc hữu giá trị kinh tế cao, trong đó điển hình là cây thạch đen. Đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao, được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của huyện Thạch An.

Cây thạch đen dễ trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Tú.

Cây thạch đen dễ trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Tú.

Trọng Con là xã có truyền thống trồng cây thạch đen, diện tích khoảng 70ha. Mỗi năm loại cây trồng này mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Ông Nông Văn Kim, xóm Vĩnh Quang (xã Trọng Con) chia sẻ, trước đây gia đình chỉ trồng ngô, lúa, những năm gần đây chuyển dần diện tích sang trồng cây thạch đen. Hiện nay gia đình trồng hơn 1ha thạch đen ở ruộng và trên rẫy, trừ chi phí mỗi vụ thu nhập gần 100 triệu đồng.

Ông Vũ Đức Thiện, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thạch An cho biết, thạch đen là cây trồng thế mạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nhân dân. Diện tích trồng cây thạch đen của huyện lớn nhất tỉnh Cao Bằng, với trên 500ha. Năng suất trung bình khoảng 50tạ/ha, hàng năm sản lượng gần 3.000 tấn, giá bán từ 40 đến 50.000 đồng/kg, đem lại giá trị kinh tế trên 100 tỷ đồng/năm.

Thực hiện Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc về xuất khẩu ngành hàng thạch đen chính ngạch tại các cửa khẩu, đầu năm 2021, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) triển khai 25 lớp tập huấn, hướng dẫn người dân về yêu cầu mã số vùng trồng khi xuất khẩu, đồng thời rà soát, lập hồ sơ đề nghị cấp mã vùng trồng cho cây thạch đen của huyện. Đến nay, cây thạch đen huyện Thạch An được cấp 189 mã vùng trồng, tổng diện tích trên 600ha, với khoảng 3.000 hộ trồng hàng năm.

Chế biến sâu để gia tăng giá trị

Sản phẩm từ cây thạch đen của huyện Thạch An được nhiều người biết đến với hương vị thơm ngon, giòn, thơm mát, có tác dụng giải nhiệt mát gan, làm đẹp da và có nhiều dược tính có lợi cho sức khỏe.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ thạch đen chủ yếu do các công ty, hợp tác xã, tư thương thu mua từ các hộ dân về sơ chế sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc. Trên địa bàn huyện Thạch An và một số huyện lân cận có một số doanh nghiệp, hộ gia đình chế biến thạch đen thành phẩm đóng hộp bán ở trong và ngoài tỉnh.  

Sản phẩm từ cây thạch đen đạt chuẩn OCOP, được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: Ngọc Tú.

Sản phẩm từ cây thạch đen đạt chuẩn OCOP, được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: Ngọc Tú. 

Ngày 16/12/2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận các sản phẩm liên quan đến thạch đen của huyện Thạch An. Việc được chứng nhận đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sản xuất và chế biến thạch đen được sử dụng tem nhãn, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Huyện ủy Thạch An đã xây dựng chương trình phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020-2025, trong đó tập trung phát triển cây thạch đen.

Trong những năm tới, huyện Thạch An tiếp tục vận động nhân dân mở rộng diện tích, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ người dân thâm canh tăng năng suất cũng như chất lượng sản phẩm.

Ông Vũ Đức Thiện, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Thạch An cho biết, trên địa bàn huyện chưa có nhà máy chế biến sâu sản phẩm từ cây thạch đen. Do đó huyện đang kêu gọi các nhà đầu tư vào khâu này để nâng giá trị sản phẩm.

Ngọc Tú - Quang Linh

Trích nguồn "Báo Nông nghiệp VN"

https://nongnghiep.vn/thach-den-mang-van-do-cho-nong-dan-d396950.html