Hoạt Động Khuyến Nông

Thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn

19/07/2021

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025. Kinh phí thực hiện giai đoạn này tăng nhiều so với giai đoạn trước.

Phân xưởng đóng gói socola của Công ty Cổ phần Fifty Fresh Farms (thôn Bãi Giếng I, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm).
Phân xưởng đóng gói socola của Công ty Cổ phần Fifty Fresh Farms (thôn Bãi Giếng I, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm).
 
Kinh phí khuyến công và vốn đối ứng đều tăng 
 
Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Chương trình khuyến công sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho các hoạt động đầu tư vào sản xuất lĩnh vực CNNT, để phát triển sản xuất, chế biến các sản phẩm công nghiệp đặc trưng, những ngành nghề, lĩnh vực có lợi thế của tỉnh. Ngoài ra, chương trình sẽ tạo thuận lợi cho các cơ sở CNNT tiếp cận cơ hội phát triển kinh tế số; nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm nhằm gia tăng giá trị và hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm, thúc đẩy những hoạt động kết nối, giao thương. 
Theo đó, tổng kinh phí thực hiện chương trình khuyến công giai đoạn 2021 - 2025 gần 43 tỷ đồng, bao gồm nguồn khuyến công quốc gia hơn 21 tỷ đồng và khuyến công địa phương (ngân sách tỉnh) gần 22 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nguồn vốn đối ứng của đơn vị thụ hưởng chương trình khuyến công ước đạt 125 tỷ đồng. So với giai đoạn 2016-2020, kinh phí khuyến công giai đoạn này đã tăng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp địa phương. 5 năm trước, toàn bộ kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh hơn 17 tỷ đồng và khoảng 80 tỷ đồng vốn đối ứng của doanh nghiệp (DN) thụ hưởng. Theo báo cáo của Sở Công Thương, nguồn kinh phí khuyến công giai đoạn 2016-2020 chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của các DN công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh, còn nhiều đơn vị mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ chương trình. Vì số vốn có hạn nên phải lựa chọn, sàng lọc kỹ các đơn vị hỗ trợ.
 
Theo bà Lê Thu Hải - Giám đốc Sở Công Thương, giai đoạn 2021-2025, hoạt động khuyến công sẽ tập trung vào hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề, năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT. Đồng thời, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu. Cùng với đó, sẽ tiến hành liên kết, liên doanh, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp và di dời những cơ sở gây ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực quản lý và thực hiện các đề án khuyến công. 
 
Nhiều giải pháp thực hiện
 
Chương trình đặt mục tiêu: Từ nay đến năm 2025, phấn đấu xây dựng 5 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ 3 - 5 cơ sở áp dụng sản xuất sạch hơn trong các khâu sản xuất; hỗ trợ 70 - 80 lượt cơ sở CNNT tiêu biểu thực hiện các đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào khâu sản xuất; công nhận, khen thưởng 150 - 200 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Bên cạnh đó, hỗ trợ 5 đề án xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở CNNT; giúp 100 đến 150 lượt cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước; 30 lượt cơ sở CNNT xây dựng, đăng ký thương hiệu và đầu tư phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm…
Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã xây dựng những nhóm giải pháp cơ bản. Trong đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách khuyến khích phát triển CNNT. Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn, thông tin về chính sách mới cho các cơ sở CNNT để các cơ sở tích cực, chủ động tham gia, thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh; qua đó góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
 
UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương tăng cường triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công; rà soát cơ chế, chính sách, đánh giá đúng những tồn tại, bất cập trong thực tế triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân thụ hưởng được chính sách khuyến công. Sở Công Thương đẩy mạnh đào tạo và chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về khuyến công. Ngoài ra, chương trình có các giải pháp về nguồn nhân lực, thị trường tiêu thụ sản phẩm, khoa học công nghệ; tăng cường phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước với các đoàn thể để triển khai hiệu quả hoạt động khuyến công.
 
Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư, tạo động lực mới phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Từ đó, tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. 
 
ĐÌNH LÂM
Trích nguồn "Báo Khánh Hòa"

Tin cùng chuyên mục