Kỹ Thuật Trồng Trọt

Trái cây bản địa sẽ trở thành hàng quý

28/08/2024

Trái cây bản địa rồi sẽ trở thành hàng quý vì không di thực được. Đây mới chính là giá trị mà bà con nông dân cần giữ lại.

Giữ lại các loại cây ăn trái bản địa

So với các vùng miền khác trên cả nước, ĐBSCL được đánh giá là khu vực gặp nhiều bất lợi trong sản xuất cây ăn trái.

Nguyên nhân của thực trạng này được ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) nhận định là do truyền thống sản xuất trước đây để lại, quy mô nhỏ. Thậm chí, khi cần vùng nguyên liệu tập trung khoảng 10ha để cấp mã số vùng trồng cũng khó.

Trong các xu hướng phát triển cây ăn trái hiện nay, vùng ĐBSCL đang hình thành xu thế trồng các loại cây bản địa, mang tính đặc thù của từng địa phương.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Kim Anh.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Kim Anh.

Ông Tùng xác định, trái cây bản địa rồi sẽ trở thành hàng quý vì không di thực được. Đây mới chính là giá trị mà bà con nông dân cần giữ lại.

Dâu hạ châu được biết đến là một trong những trái cây đặc sản của vùng đất Phong Điền (TP Cần Thơ) với diện tích gần 300ha. Từ năm 2006, dâu hạ châu đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Đưa ra phép thử, ông Tùng cho rằng, dù cây dâu hạ châu được mang đến trồng ở tỉnh Tiền Giang hay Long An nhưng độ ngon không thể sánh bằng khi trồng ở Phong Điền. Đặc biệt là thiếu đi bề dày lịch sử 200 năm trồng cây của địa phương.

Cùng quan điểm này, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, vài năm gần đây, trước sự phát triển nóng của cây sầu riêng, nhất là trong niên vụ 2023 - 2024, giá sầu riêng khá cao, nhiều vườn có lợi nhuận lớn.

Từ đây, xuất hiện hiện tượng bà con thay thế cây dâu hạ châu hay một số loại cây bản địa khác để trồng sầu riêng. Điều này dẫn đến nguy cơ rủi ro cho cây sầu riêng, vừa đánh mất đi giá trị truyền thống mà các loại cây ăn trái bản địa mang lại.

Dâu hạ châu - trái cây đặc sản của huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) vừa giúp nông dân phát triển kinh tế vườn vừa thúc đẩy du lịch nông nghiệp địa phương. Ảnh: Kim Anh.

Dâu hạ châu - trái cây đặc sản của huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) vừa giúp nông dân phát triển kinh tế vườn vừa thúc đẩy du lịch nông nghiệp địa phương. Ảnh: Kim Anh.

Do đó, trong quy hoạch phát triển TP Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố xác định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa hình thành hệ sinh thái, góp phần phát triển đô thị. Trong đó, chú trọng khai thác các loại cây ăn trái bản địa, gắn với nhu cầu thị trường và doanh nghiệp.

Hiện TP Cần Thơ có trên 25.000ha cây ăn trái, cho sản lượng hơn 200.000 tấn/năm. Những năm gần đây, diện tích này không ngừng được mở rộng. Nhiều loại cây ăn trái bản địa đã hình thành vùng sản xuất chủ lực, tập trung, có thương hiệu như: dâu hạ châu; xoài tượng da xanh sông Hậu; nhãn ở Định Môn…

Ngành hàng cây ăn trái được Sở NN-PTNT TP Cần Thơ xác định là một trong ba trụ cột quan trọng của ngành nông nghiệp, bên cạnh lúa gạo và thủy sản. Ảnh: Kim Anh.

Ngành hàng cây ăn trái được Sở NN-PTNT TP Cần Thơ xác định là một trong ba trụ cột quan trọng của ngành nông nghiệp, bên cạnh lúa gạo và thủy sản. Ảnh: Kim Anh.

Ngoài đóng góp tăng giá trị cho ngành nông nghiệp, ông Nghiêm khẳng định, các vườn cây ăn trái là nhân tố thúc đẩy phát triển dịch vụ; du lịch; công nghiệp chế biến, bảo quản, xuất khẩu và phát triển sản phẩm OCOP.

Trong chiến lược phát triển ngành hàng cây ăn trái, toàn bộ các quận trên địa bàn TP Cần Thơ, huyện Phong Điền và một phần huyện Thới Lai, Cờ Đỏ đã hình thành các vùng cây ăn trái tập trung. Việc phát triển ngành hàng này không chỉ hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp mà còn xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy phát triển đô thị.

Việc bảo tồn, giữ lại các loại cây ăn trái bản địa, truyền thống của địa phương, ngoài vai trò điều tiết chính sách của ngành nông nghiệp, cơ quan chuyên môn, ý thức trách nhiệm của bà con nông dân giữ vai trò quyết định.

Liên kết chặt để sản xuất cây ăn trái bền vững

Mới đây, tại chương trình tọa đàm “Phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả bền vững” do Sở NN-PTNT TP Cần Thơ phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) và UBND huyện Cờ Đỏ tổ chức, cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp và bà con nông dân đều đặt vấn đề quan tâm đến mối liên kết sản xuất để mặt hàng cây ăn trái phát triển bền vững.

Cây ăn trái của Việt Nam đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt là các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Trung Quốc… Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cây ăn trái năm 2023 đạt khoảng 5,6 tỷ USD.

Các vườn cây ăn trái là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, bảo quản, xuất khẩu. Ảnh: Kim Anh.

Các vườn cây ăn trái là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, bảo quản, xuất khẩu. Ảnh: Kim Anh.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định thêm, hiện nhiều nông dân tham gia HTX và thực hiện liên kết với doanh nghiệp, có cả những HTX đủ năng lực có thể xuất khẩu trực tiếp. Việc liên kết để giữ được chất lượng sản phẩm, thâm canh vừa phải là xu hướng hiện đại.

Xu hướng này đang phát triển khá tốt ở vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Tuy nhiên tại ĐBSCL vẫn còn chậm, sản lượng xuất khẩu cây ăn trái của vùng chiếm không nhiều trong giá trị xuất khẩu cả nước.

Hiện nay, mỗi thị trường đều có những quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu riêng rất khắt khe. Điển hình là Hoa Kỳ và Úc đều đặt ra yêu cầu căn bản nhất là trái cây phải có mã số vùng trồng, nhà máy đóng gói. Đồng thời, sản phẩm trước khi xuất phải qua hệ thống chiếu xạ để diệt khuẩn, đóng gói đúng quy cách. Ví dụ, nhãn phải đóng thùng carton trọng lượng 4,5kg; vỏ thùng nặng 700gr. Nếu đóng vào rổ, trọng lượng 5kg/rổ, rổ trọng lượng cũng khoảng 700gr.

Ngược lại, thị trường Canada, cơ bản tất cả hàng hóa không cần qua đàm phán đều được xuất vào. Thị trường Hàn Quốc yêu cầu trái cây phải xử lý nhiệt.

Do đó, doanh nghiệp phải phối hợp rất chặt chẽ với bà con nông dân, sản xuất theo yêu cầu của từng thị trường. Bên cạnh đó, để hình thành được chuỗi liên kết, bà con cũng cần am hiểu nhất định về thị trường đó.

Để thúc đẩy ngành hàng cây ăn trái phát triển bền vững, doanh nghiệp và bà con nông dân cần phối hợp chặt chẽ, sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Ảnh: Kim Anh.

Để thúc đẩy ngành hàng cây ăn trái phát triển bền vững, doanh nghiệp và bà con nông dân cần phối hợp chặt chẽ, sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Ảnh: Kim Anh.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết thêm, vài năm gần đây, vấn đề liên kết tiêu thụ đối với ngành hàng cây ăn trái của TP Cần Thơ diễn ra khá sôi động. Nhiều loại cây có giá trị như: sầu riêng, vú sữa, xoài, nhãn… được các doanh nghiệp rất quan tâm. Khi thiết lập mã số vùng trồng, các doanh nghiệp đều mong muốn liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu, phục vụ thị trường xuất khẩu. Từ đó hình thành một số chuỗi liên kết khá chặt chẽ.

Tuy nhiên, cũng còn một số loại cây ăn trái quy mô lớn, do nhiều yếu tố về sản xuất, thị trường nên chưa liên kết được. Bên cạnh đó, một số mối liên kết chưa chặt chẽ, doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng thông qua hợp tác xã , do đó tính pháp lý ràng buộc giữa doanh nghiệp với nông dân chưa cao. Thời điểm giá sản phẩm tăng, bà con không bán được cho doanh nghiệp do thỏa thuận chưa hài hòa, làm xuất hiện hiện tượng thương lái vào tranh mua, tranh bán. Điều này đặt ra nhiều vấn đề trong câu chuyện liên kết trong ngành hàng cây ăn trái.

Kim Anh

Trích nguồn "Báo Nông nghiệp VN"

https://nongnghiep.vn/trai-cay-ban-dia-se-tro-thanh-hang-quy-d394114.html