Hoạt động Khoa học Công nghệ

Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và dược liệu Đinh lăng, Cà gai leo tại tỉnh Thái Bình

27/02/2025

Theo các nhà nghiên cứu dược học, xu hướng tới của thế giới là dùng thuốc và thực phẩm chức năng có nguồn gốc thiên nhiên vì nó có tác dụng trị liệu cao, không gây tác dụng phụ. Gần đây, một số cây thuốc như: Kim tiền thảo, Nhân trần, Bồ bồ, Ích mẫu, Diệp hạ châu, Chè dây, Cà gai leo… được các công ty dược chế biến thành các loại thuốc phòng, trị các bệnh đặc hiệu có hiệu quả tốt. Với lợi thế về địa lý tự nhiên và nguồn nhân lực dồi dào, Thái Bình có nhiều tiềm năng phát triển trồng cây dược liệu.

Có nhiều loài cây dược liệu đã được trồng ở tỉnh như Hoa hòe, Nghệ, Dây thìa canh, Hoàng ngọc, Cà gai leo, Đinh lăng... Cây thuốc quý ở tỉnh có nhiều nhưng người dân chưa có ý thức trong việc gây trồng, phát triển một số cây thuốc quý hiếm. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, không đồng đều, chế biến chưa đồng bộ.

Trên địa bàn tỉnh Thái Bình, ngoài công ty Dược Khải Hà, cũng chưa có một đơn vị nào được giao hoặc chủ động trong việc trồng thử và chế biến các cây thuốc quý, đặc biệt là trà thảo dược từ cây Đinh lăng và cây Cà gai leo. Việc nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống, công nghệ sơ chế và chế biến các loại trà thảo dược cũng chưa đầy đủ, nhất là chưa có nhiều mô hình trồng cây thuốc để tạo ra sản phẩm có giá trị làm cho người dân hiểu được, tai nghe, mắt thấy lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội để làm theo. Vì vậy, việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN phát triển dược liệu trà thảo dược một cách toàn diện, theo hướng sản xuất hàng hoá, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nguyên liệu dược trong nước và có thể tham gia xuất khẩu, tăng thu nhập cho người dân trên đơn vị canh tác là việc làm cần được quan tâm. Việc triển khai thực hiện mô hình trồng và chế biến cây dược liệu làm trà thảo dược là quan trọng và cần thiết, ngoài việc giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong khai thác tiềm năng đất đai, quan tâm hơn đến việc phát triển cây dược liệu, còn hỗ trợ người dân biết áp dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hoá để cung cấp nguyên liệu cho sản xuất dược liệu và phục vụ công nghiệp chế biến của địa phương, từng bước ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống người dân; xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật là người dân trên địa bàn triển khai dự án, góp phần đưa công nghiệp hóa - hiện đại hóa vào nông nghiệp nông thôn.

Hiện nay Công ty Cổ phần đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng đã sản xuất thử với quy mô 9,0 - 15 tấn nguyên liệu thô/ tháng và mức tiêu thụ lên đến trên 150 tấn/ năm, tuy nhiên, nguồn nguyên liệu thô doanh nghiệp vẫn phải đi thu mua ở các tỉnh khác. Việc thu mua nguyên liệu ở các tỉnh dẫn đến đầu vào nguyên liệu không ổn định, các khâu trong quy trình (trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản...) không quản lý được, mặt khác người dân tỉnh Thái Bình cũng không có cơ hội được hưởng lợi để tăng thu nhập.

Xuất phát từ thực trạng và yêu cầu của sản xuất nông nghiệp, nhằm đưa nhanh tiến bộ khoa học công nghệ trong chuỗi giá trị hàng hóa (sản xuất - bảo quản - chế biến - tiêu thụ); xây dựng được mô hình sản xuất giống và dược liệu Đinh lăng, Cà gai leo theo hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP) tại tỉnh Thái Bình, CN. Trần Quang Phước cùng các cộng sự tại Công ty Cổ phần đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng đã thực hiện dự án: “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và dược liệu Đinh lăng, Cà gai leo tại tỉnh Thái Bình”.

Dự án này thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025. Trong khuôn khổ dự án, hai cây dược liệu Đinh lăng (Polyscias fruticosa (L. Harms) và cây Cà gai leo (Solanum procumbens Lour.) đã được chọn là đối tượng tác động, bởi đây là hai loại cây dược liệu được đánh giá thích nghi với điều kiện vùng Đồng bằng Sông Hồng, có tác dụng tốt đối với sức khoẻ con người và được thị trường tiêu thụ chấp nhận.

Sau gần 5 năm thực hiện dự án, dự án đã đạt được một số kết quả:

1. Dự án đã hoàn thành đầy đủ về số lượng, chủng loại và các sản phẩm:

- Dự án đã chuyển giao và tiếp nhận thành công 06 quy trình công nghệ.

- Đã xây dựng thành công 05 mô hình. Các mô hình đã đạt 100% về số lượng, chất lượng theo thuyết minh và hợp đồng đã ký.

+ Mô hình nhân giống Cà gai leo: 2.000 m² vườn giống gốc tạo 840.000 cây giống Cà gai leo.

+ Mô hình trồng, chăm sóc, thu hái Cà gai leo: 20 ha đạt 156 tấn dược liệu Cà gai leo khô đạt tiêu chuẩn theo Dược điển Việt Nam.

+ Mô hình nhân giống Đinh lăng: 6 ha vườn giống gốc tạo được 420.000 hom giống và 25 tấn dược liệu Đinh lăng củ khô; 30 tấn thân, lá Đinh lăng khô.

+ Mô hình trồng, chăm sóc, thu hái Đinh lăng: dự kiến 20 ha đạt 84 tấn dược liệu Đinh lăng khô đạt tiêu chuẩn theo Dược điển Việt Nam.

- Đã đào tạo được 10 kỹ thuật viên nắm bắt được các quy trình công nghệ về 5 mô hình của dự án, có khả năng hướng dẫn cho các mô hình dự án tương tự.

- Đã đào tạo, tập huấn được cho 200 lượt nông dân nắm vững kỹ thuật, áp dụng thành thạo vào 5 mô hình theo hướng GACP-WHO .

- Đã tổ chức được 4 hội nghị đầu bờ đánh giá mô hình, rút kinh nghiệm việc triển 43 khai thực hiện dự án và liên kết giới thiệu sản phẩm tới khách hàng.

Kết quả của dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế- xã hội và môi trường cho vùng triển khai tại Thái Bình. Mô hình trồng các cây dược liệu được thực hiện trong dự án là các cây thân thiện với môi trường, ít sâu bệnh do đó không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Phế thải từ chế biến dược liệu không nguy hại đã giảm ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, tạo ra một môi trường trong sạch, an toàn cho xã hội. Hiện tại ngoài 2 cây dược liệu chính Đinh lăng và Cà gai leo, Công ty đang phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm cần các dược liệu khác để sản xuất ra các dòng sản phẩm chuyên biệt có nguồn gốc thảo dược tự nhiên. Công ty rất mong được tạo điều kiện thực hiện các dự án về cây dược liệu khác có tiềm năng như cây xuyên tâm liên, cây địa liền, cây hương nhu, cây ngải cứu..... để tạo ra sản phẩm nam dược có lợi cho người sử dụng cũng như tạo được giá trị kinh tế xã hội và phát triển ngành Dược Việt Nam.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 20517/2022) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.T.T (NASATI)

Trích nguồn "Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia"

https://vista.gov.vn/vi/news/ket-qua-nghien-cuu-trien-khai/ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe-xay-dung-mo-hinh-san-xuat-giong-va-duoc-lieu-dinh-lang-ca-gai-leo-tai-tinh-thai-binh-10839.html


Tin cùng chuyên mục