Khoảng một tháng nay, tôm hùm bông trên địa bàn huyện Vạn Ninh bị chết khá nhiều nhưng chưa rõ nguyên nhân. Cơ quan chức năng đang tìm hiểu, đưa ra các giải pháp để khuyến cáo người dân khắc phục tình trạng này.
Tôm chết hàng loạt
Ông Nguyễn Văn Tiên (thôn Hà Già, xã Vạn Hưng) có bè nuôi tôm với 35 ô lồng, tôm nuôi được khoảng 5 - 6 tháng, kích cỡ từ 150 đến 200g/con. Theo ông Tiên, mỗi ngày, bè nuôi tôm của gia đình chết khoảng 20 - 30 con, gây thiệt hại lớn. Gia đình ông phải bán gấp tôm ngộp với nửa giá (khoảng 350 - 600.000 đồng/kg tùy loại) cho các thương lái.
Vùng nuôi thuộc xã Vạn Hưng có khoảng 4.200 ô/lồng (211 hộ nuôi). Đối tượng nuôi chủ yếu là tôm hùm xanh. Mật độ thả nuôi khoảng 200 - 300 con/lồng. Tôm hùm nuôi tại khu vực này đã được 5 tháng, kích cỡ từ 150 đến 200g/con. Theo ghi nhận từ các hộ nuôi trong vùng, hiện tượng tôm hùm chết nhiều diễn ra khoảng 20 - 30 ngày gần đây, 1 ngày chết từ 3 đến 30 con/hộ nuôi. Trong vùng nuôi có hơn 50% hộ nuôi có hiện tượng tôm chết với dấu hiệu phần bụng tôm có màu hồng trắng, tôm giảm ăn hoặc bỏ ăn, kém hoạt động, chậm chạp, yếu dần rồi chết. Người nuôi cho rằng, nhiệt độ nước khu vực nuôi năm nay nóng hơn so với cùng kỳ năm 2023. Dựa trên các dấu hiệu trên tôm, người nuôi nghi ngờ tôm hùm chết do bệnh sữa.
Hiện tượng tôm hùm chết hàng loạt cũng diễn ra ở xã Vạn Thạnh. Vùng nuôi phát hiện tôm hùm chết thuộc khu Mũi Núi Nai, thôn Khải Lương. Theo ghi nhận từ các hộ nuôi, tôm hùm có hiện tượng chết khoảng 30 ngày gần đây và chỉ xảy ra trên tôm hùm bông, không xảy ra ở tôm hùm xanh. Ông Phan Ngọc Nam cho biết, gia đình có 40 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm khoảng 5 tháng, bị chết khoảng 10%. Khi thấy có dấu hiệu tôm hùm chết, ông đã dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiều lần nhưng không thuyên giảm.
Theo ông Võ Văn Thái - Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản và du lịch Vân Phong, hiện nay, tình trạng tôm hùm khoảng 0,2 - 0,25kg/con bị đen mang chết khoảng 40%. Còn 6 tháng nữa mới xuất bán được, nhưng tình trạng tôm chết vẫn diễn ra, người nuôi có nguy cơ lỗ nặng.
Khảo sát để tìm nguyên nhân
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tại vùng nuôi Vạn Thạnh và Vạn Hưng, kết quả đo các chỉ tiêu môi trường khu vực xảy ra tôm hùm chết cho thấy, các yếu tố môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép. Kết quả xét nghiệm không phát hiện ký sinh trùng, tác nhân gây bệnh sữa trên tôm, nhưng phát hiện tôm bị nhiễm vi khuẩn. Căn cứ kết quả điều tra thông tin dịch tễ vùng nuôi, tác nhân gây chết trên tôm chưa thể xác định rõ.
Ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vạn Ninh cho biết, hàng năm, vào thời điểm giao mùa thường xuất hiện tình trạng tôm chết. Các chỉ số môi trường sau khi được kiểm tra đều trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, nhiệt độ nóng lên, tôm thiếu ôxy cũng có thể là một trong những yếu tố khiến tôm ngộp, chết. Ngày 16-4, huyện sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đi khảo sát 2 vùng nuôi tại xã Vạn Hưng và xã Vạn Thạnh để tìm ra nguyên nhân và có giải pháp cụ thể giải quyết vấn đề này.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo người nuôi trồng thủy sản thường xuyên đo các yếu tố môi trường trong thời điểm thời tiết chuyển mùa, đặc biệt là ôxy để kịp thời phát hiện biến đổi về yếu tố môi trường và có giải pháp xử lý; theo dõi chặt chẽ biến động thời tiết, biến đổi màu nước, sức khỏe của tôm; loại bỏ tôm chết, xác tôm lột và lắng đáy. Ngoài ra, bổ sung vitamin và khoáng chất vào khẩu phần ăn để nâng cao sức đề kháng trên tôm hùm; tránh dư thừa thức ăn gây lắng đọng chất thải tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển…
MẠNH HÙNG
Trích nguồn "Báo Khánh Hòa"
https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202404/van-ninhtom-hum-chet-nhieu-chua-ro-nguyen-nhan-c4a258c/