Việt Nam là một nước nhiệt đới với hệ thực vật rất phong phú và đa dạng. Theo Danh lục các loài thực vật Việt Nam (2001, 2003, 2005), Việt Nam có khoảng 11.300 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có khoảng 10.300 loài thực vật có hoa. Dựa trên nhiều kết quả nghiên cứu qua nhiều năm của các nhà khoa học trong và ngoài nước, khoảng 7000 loài thực vật có ích đã được ghi nhận, trong đó khoảng 5000 loài cây thuốc.
Tuy nhiên, hàng loạt các mối đe dọa đến đa dạng sinh học (chặt phá rừng, khai thác cây rừng không kế hoạch, khai thác làm cảnh, khai thác làm thuốc, khu phân bố chia cắt, làm nương rẫy, môi trường sống bị phá hại, nơi cư trú bị chia cắt, nơi phân bố và cư trú hẹp, nơi sống dễ bị xâm hại, số lượng cá thể ít …) có thể đã làm mất đi nhiều tài nguyên thực vật có giá trị trong đó có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm của Việt Nam trước khi chúng ta biết đến công dụng và sự tồn tại của chúng. Vì vậy, cần phải khẩn trương có một dữ liệu để quản lý hữu hiệu tài nguyên thực vật nói chung và các loài đặc hữu, quý hiếm của Việt Nam nói riêng trước khi quá muộn. Muốn hiểu biết, nghiên cứu về một đối tượng, điều đầu tiên là chúng ta phải nhận biết đúng đối tượng chính xác. Để nhận biết chính xác các loài thực vật nói chung và thực vật đặc hữu, quý hiếm nói riêng, phân loại học cần phải là yếu tố quan trọng nhất và đi trước trong điều tra, nghiên cứu.
Mặt khác, phân loại học sẽ cung cấp những thông tin cơ bản và quan trọng của các loài thực vật đặc hữu, quý hiếm, từ đó có những hoạt động thích hợp tiếp theo. Tầm quan trọng của phân loại học đã được khẳng định hơn nữa ở “Sáng kiến phân loại học toàn cầu (GTI) 2017-2015 của Công ước Đa dạng sinh học (CBD)” (https://www.cbd. int/gti), bên cạnh việc ứng dụng các phương pháp truyền thống (hình thái so sánh…), phương pháp sinh học phân tử (DNA barcoding,…) được quan tâm và đề cập nhiều.
Với mục tiêu làm chủ các phương pháp phân loại học hiện đại và góp phần để Việt Nam tham gia Sáng kiến phân loại học toàn cầu của Công ước đa dạng sinh học (GTI-CBD), một số đề tài đã ứng dụng phương pháp sinh học phân tử trong nghiên cứu 200 loài đặc hữu, quý hiếm Việt Nam. Đối với các loài thực vật đặc hữu, quý hiếm, bên cạnh các dữ liệu về phân loại học, dữ liệu về phân bố là cơ sở để giám sát, bảo vệ chúng hữu hiệu hơn. Một số thông tin về phân loại học và phân bố của nhiều loài thực vật ở Việt Nam cũng được đề cập trên https://www.gbif.org, tuy vậy dữ liệu còn đơn giản, hầu như chưa có các thông tin về các loài thực vật đặc hữu, quý hiếm do Việt Nam mới trở thành thành viên GBIF năm 2018. Do vậy, để bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững các loài thực vật đặc hữu, quý hiếm, dữ liệu phân loại học và phân bố là những yếu tố quan trọng hàng đầu.
Với những lý do trên, TS. Nguyễn Thị Thanh Hương, cùng các cộng sự tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu về phân loại học, phân bố của những loài thực vật đặc hữu, quý hiếm ở Việt Nam phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững”.
Sau một thời gian thực hiện, đề tài thu được các kết quả như sau:
1. Đã xây dựng được Bộ dữ liệu (được quản lý bằng Microsoft Access) gồm 2178 loài (hoặc dưới loài) thực vật đặc hữu, quý hiếm trong Hệ thực vật Việt Nam, trong đó có 1655 loài đặc hữu Việt Nam, gồm các dữ liệu về: Danh pháp (tên khoa học của ngành, lớp, họ, loài hoặc dưới loài, tài liệu trích dẫn theo luật danh pháp quốc tế và theo GBIF; tên synonym nếu có; thông tin mẫu chuẩn nếu có; tên Việt Nam); thông tin phân bố; một số dữ liệu khác (đánh giá về mối đe dọa; đề xuất các biện pháp bảo tồn cụ thể cho nhiều loài) phục vụ cho việc đề xuất giải pháp khả thi nhằm bảo tồn, phát triển bền vững các loài thực vật đặc hữu, quý hiếm.
2. Đã xây dựng được Bộ dữ liệu của 200 loài thực vật đặc hữu, quý hiếm (được quản lý bằng Microsoft Access) bao gồm các dữ liệu về danh pháp; các đặc điểm hình thái, sinh học, sinh thái; các giá trị khoa học, kinh tế, xã hội bao gồm các thông tin về các loài đặc hữu; phân hạng đe dọa (trong Sách đỏ Việt Nam 2007, Danh lục đỏ Việt Nam, 2007, Danh lục đỏ IUCN) và nằm trong nghị định CP; CITES; giá trị tài nguyên và công dụng chữa bệnh;
Bộ dữ liệu gồm bộ ảnh gồm 200 bản ảnh màu của 200 loài thực vật đặc hữu, quý hiếm và bộ dữ liệu phân bố 200 loài thực vật đặc hữu, quý hiếm gồm thông tin phân bố và sơ đồ phân bố.
3. Phần mềm quản lý bộ dữ liệu 200 loài thực vật đặc hữu, quý hiếm Việt Nam trên mạng internet, kết xuất dữ liệu phù hợp để cung cấp cho cơ sở dữ liệu GBIF.
4. Đã xây dựng Bộ dữ liệu trình tự gen (một số đoạn gen nhân, lục lạp) của 200 loài thực vật đặc hữu, quý hiếm.
5. Đề xuất giải pháp khả thi nhằm bảo tồn, phát triển bền vững các loài thực vật đặc hữu, quý hiếm.
- Xây dựng được thứ tự ưu tiên bảo tồn 52 bậc ưu tiên được xây dựng để sắp xếp thứ tự các loài đặc hữu, quý hiếm ở Việt Nam
- Đề xuất được một số biện pháp bảo tồn bao gồm 14 biện pháp được đề xuất nhằm bảo tồn và phát triển bền vững thực vật, trong đó đề xuất được sơ đồ kết hợp toàn diện và hợp lý cho bảo tồn, phát triển loài.
- Đề xuất được danh sách loài cần bảo tồn tại 8 vùng sinh thái và các tỉnh:
+ Vùng Tây Bắc gồm 4 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu
+ Vùng Đông Bắc gồm 11 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang và Phú Thọ
+ Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 10 tỉnh: Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Vĩnh Phúc
+ Vùng Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế
+ Vùng Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận
+ Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh
+ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh: Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang và Trà Vinh
6. Bản thảo Atlat 100 loài thực vật đặc hữu, quý hiếm và các bài báo khoa học đã xuất bản đạt chất lượng quốc tế theo yêu cầu các tạp chí thuộc danh mục ISI (SCIE).
Như vậy, đề tài đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về phân loại học, phân bố của những loài thực vật đặc hữu, quý hiếm ở Việt Nam và cung cấp các luận cứ khoa học có tính khả thi cao cho công tác bảo tồn, phát triển bền vững các loài thực vật đặc hữu, quý hiếm ở Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 23414/2022) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
P.T.T (NASATI)
Trích nguồn "Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia"