Việt Nam có một hệ thực vật rất phong phú và đa dạng, bao gồm 12.000 - 15.000 loài thực vật, trong đó có khoảng 30% số loài là đặc hữu và đã có 7.000 được nhận biết (N.N. Thìn 1997). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau đã làm diện tích, chất lượng và hệ sinh thái rừng của nước ta bị suy thoái nghiêm trọng.
Nhiều loài thực vật rừng quý hiếm đang bị khai thác, chặt hạ trái phép nên đang đứng trước nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng. Năm 1996, Việt Nam có 356 loài thực vật bị đe doạ tuyệt chủng (Sách đỏ Việt Nam 1996), thì con số này đã tăng lên 450 loài vào năm 2008 (Sách đỏ Việt Nam, 2008).
Chính vì vậy nghiên cứu bảo tồn các loài cây quý hiếm và/hoặc có giá trị cao cần thực hiện liên tục và thường xuyên. Bảo tồn nguồn gen cây rừng trong giai đoạn tới sẽ tập trung vào bảo tồn và phát triển 2 nhóm loài chính là bảo tồn nguồn gen cây rừng quý hiếm, bị đe doạ tuyệt chủng và bảo tồn nguồn gen cây rừng có giá trị kinh tế cao phục vụ trồng rừng. Đối với cả 2 nhóm loài trên, công tác bảo tồn, phát triển và sử dụng cũng sẽ tuân thủ đầy đủ các bước đi là (1) Điều tra, khảo sát mở rộng; (2) Thu thập, đánh giá; (3) Bảo tồn; và (4) Phát triển, sử dụng. Bước nghiên cứu phát triển, sử dụng và tư liệu hóa thông tin về nguồn gen cây rừng sẽ được tiếp tục quan tâm đầu tư đúng mức nhằm tìm hiểu cơ sở khoa học cho các nghiên cứu cải thiện giống cây rừng và trồng rừng trong giai đoạn tới.
Công tác rà soát lại các biện pháp bảo tồn đã được áp dụng và thực hiện cho các loài cần được tiến hành. Phương án bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ là hai phương pháp vẫn được ưu tiên sử dụng trong giai đoạn tới. Trong đó, bảo tồn tại chỗ phải được coi là biện pháp quan trọng và được đầu tư trực tiếp cho các khu bảo tồn và vườn quốc gia. Ở các giai đoạn trước, bảo tồn chuyển chỗ kết hợp khảo nghiệm xuất xứ đã cho kết quả khá rõ ràng cho công tác khai thác và phát triển nguồn gen sau này, và góp phần vào công tác cải thiện giống cây rừng. Tuy nhiên các rừng trồng bảo tồn chuyển chỗ còn chưa kết hợp xây dựng thành các khảo nghiệm hậu thế (có thể chuyển đổi thành vườn giống sau này) và một số loài chỉ thu hái được 1 hoặc 2 xuất xứ. Vì vậy việc xây dựng các vườn sưu tập nguồn gen kết hợp với khảo nghiệm hậu thế sẽ tiếp tục được ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, phương án bảo tồn hạt giống cũng sẽ được nghiên cứu nhằm đảm bảo duy trì vật liệu cho sử dụng lâu dài trong gây trồng các nguồn gen quý hiếm.
Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài PGS. TS. Phí Hồng Hải thực hiện đề tài “Bảo tồn nguồn gen cây rừng” với mục tiêu: Tập hợp và lưu giữ nguồn gen các loài cây rừng quý hiếm và/hoặc có giá trị kinh tế ở Việt Nam; Xác định được đặc điểm lâm học và đa dạng di truyền của các loài cây rừng quý hiếm và/hoặc có giá trị kinh tế nhằm góp phần khai thác và phát triển nguồn gen có giá trị vào trồng rừng.
Khu bảo tồn rừng trồng Sưa đỏ được xây dựng trên diện tích 1,0 ha tại Vườn quốc gia (VQG) Lò Gò Xa Mát - huyện Tân Biên - tỉnh Tây Ninh vào tháng 4/2019, Tổng số cây trồng tại VQG Lò Xa Mát là 840 cây, đến nay tỷ lệ sống của rừng đạt 92%. Rừng trồng bảo tồn cũng đã trồng dăm, cây sinh trưởng bình thường, cây cao bình quân 25 cm, một số cây cao trên 35cm. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đã trồng tại Vườn thực vật của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Lâm nghiệp Đông Nam Bộ 80 cây. sinh trưởng bình thường. Đặc biệt đã phát huy hiệu quả rất tốt trong nghiên cứu bảo tồn trên địa bàn.
Viện KHLN Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã thực hiện nhân giống bằng phương pháp giâm hom được 1000 cây giống Đỗ quyên lá nhỏ năm 2018. Chính vì vậy, trước khi trồng Viện KHLN Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã tiến hành chăm sóc số cây giống nay trong năm 2019 để đảm báo cây giống sinh trưởng tốt, không sâu bệnh hại và đảm bảo tiêu chuẩn cây đem trồng (Doo = 0,3cm, Hvn = 0,4m). Rừng trồng bảo tồn được trồng vào tháng 5/2019, với mật độ 833 cây/ha. Sau khi trồng từ 15 - 20 ngày tiến hành kiểm tra cây trồng, trồng dặm vị trí các cây chết. Đã tiến hành trồng dặm 41 cây bị chết vào tháng 6/2019. Rừng trồng bảo tồn này cũng đã được chăm sóc bằng phát dọn thực bì 1 đợt và phát quanh gốc 1 đợt, xới cỏ quanh gốc 1 đợt với đường kính từ 0,7 - 0,8m. Đến nay, rừng trồng bảo tồn có tỷ lệ cây sống là 822/833cây (98,7%), Cây sinh trưởng tốt chiếm trên 90%, Doo = 0,8cm và Hvn = 0,8m.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Thiết đinh và Gụ lau là hai loài cây quý hiếm và/hoặc có giá trị kinh tế) đã được điều tra khảo sát mở rộng và đánh giá đặc điểm lâm học, thực vật học và từ đó chọn lọc cây đại diện và thu hái vật liệu di truyền, 18 OTC (500m2) tại Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, hải Phòng với Thiết đinh và Gụ lau tại Quảng Ninh, đã 27 được điều tra và đánh giá đặc điểm lâm học, thực vật học để có cơ sở khoa học cho bảo tồn, khai thác và phát triển sau này.
- Đã chọn lọc được 33 cây Thiết đinh tại Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng và 10 cây Gụ lau tại Quảng Ninh và tiến hành thu thập vật liệu giống của các cây đại diện thu thập được 2,6 kg hạt giống cho 2 loài.
Tiến hành nhân giống thành công bằng phương pháp sinh sản hữu tính cho loài Thiết đinh với kết quả đạt được như sau:
1. Trọng lượng trung bình của quả khô là 0,82g; Trọng lượng trung bình của hạt Thiết đinh là 0,044 g (4,4 g/100 hạt).
2. Có thể tiến hành gieo ươm hạt Thiết đinh trực tiếp trên nền đất đồi (sau khi cây con có 3 lá chuyển sang bầu) và ủ hạt trong túi vải, giữ ẩm (hạt nứt nanh chuyển sang bầu), Xử lý hạt Thiết đinh bằng nước ấm (40 - 45 độ C) trong 8 giờ cho tỷ lệ nảy mầm cao nhất (88,3%), Thời gian nảy mầm trung bình của hạt giống là 18,6 ngày.
3. Tỷ lệ sống trung bình của cây Thiết đinh con đạt 74,83% (sau 9 tháng) chiều cao trung bình cảu cây đạt 19,31 cm và có số lá trung bình là 8,0. Tăng trưởng chiều cao bình quân 2,14 cm/tháng. Đây là mức tăng trưởng chậm. Có sự tăng trưởng mạnh của cây từ tháng 8 sang tháng thứ 9 khi cây chuyển sang giai đoạn mùa thu.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18059/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)
Trích nguồn "Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia"
https://vista.gov.vn/news/ket-qua-nghien-cuu-trien-khai/bao-ton-nguon-gen-cay-rung-6198.html