Kỹ Thuật Trồng Trọt

Khánh Sơn: Nắng hạn ảnh hưởng lớn đến sầu riêng

23/04/2024

Từ Tết Nguyên đán đến nay, trên địa bàn huyện Khánh Sơn không có mưa, nắng nóng kéo dài, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn đã khiến cho nhiều vườn sầu riêng bị sốc nhiệt, rụng trái non. Nếu đến cuối tháng 4 này vẫn tiếp tục không có mưa, khoảng 50% diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện sẽ thiếu nước tưới.

Rụng trái non do sốc nhiệt

Những ngày qua, nhiều người trồng sầu riêng ở thôn Tà Gụ (xã Sơn Hiệp) tất bật lo chăm sóc sầu riêng để hạn chế tình trạng rụng trái non do sốc nhiệt. Ông Bo Bo Niễng - người trồng sầu riêng ở địa phương cho biết: “Nắng nóng kéo dài từ sau Tết Nguyên đán cho đến nay. Ban ngày lên đến 38 - 390C, ban đêm chỉ 20 - 220C đã khiến cho cây sầu riêng bị sốc nhiệt. Những vườn sầu riêng đang trong thời kỳ tạo quả non trong khoảng 10 ngày trở lại đây đều bị rụng quả non, có những cây rụng tới 80 - 90% số quả. Như gia đình tôi có 1 vườn 80 cây sầu riêng bị rụng đến hơn 80% số quả”.

Tương tự, nhiều vườn sầu riêng ở Sơn Lâm, Sơn Bình, thị trấn Tô Hạp… cũng bị rụng quả do sốc thời tiết. Qua nắm bắt sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, có khoảng 30% trong tổng số 1.500ha sầu riêng đang trong thời kỳ kinh doanh trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng. Những vườn canh tác chuẩn, ra hoa, có quả sớm ít bị ảnh hưởng. Những vườn tạo quả non từ khoảng giữa tháng 4 đến nay bị ảnh hưởng nhiều do chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn. Ngoài ra, người trồng sầu riêng còn lo lắng quả sầu riêng non sẽ tiếp tục bị rụng trong thời điểm mưa đầu mùa xuất hiện.

Người dân xã Sơn Hiệp tưới nước có bổ sung phân bón lá để hạn chế tình trạng rụng quả non
Người dân xã Sơn Hiệp tưới nước có bổ sung phân bón lá để hạn chế tình trạng rụng quả non.

Theo ông Đỗ Nhi Huy - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, người dân trên địa bàn huyện đang tập trung chăm sóc cho cây sầu riêng để tránh bị sốc nhiệt bởi nắng nóng kéo dài. Các nhà vườn đều tập trung tưới phủ toàn cây, trong thời điểm từ 6 đến 8 giờ để cân bằng nhiệt độ cho cây. Trong giai đoạn hoa xổ nhụy, đậu quả non từ 15 đến 20 ngày, người dân cần phun các loại phân bón lá theo khuyến cáo để tăng tỷ lệ đậu quả, hạn chế hiện tượng rụng trái. Bên cạnh đó, nông dân cũng cần thường xuyên thăm vườn để kiểm tra, nắm bắt diễn biến của các loại sâu bệnh, áp dụng các giải pháp đã được hướng dẫn để phòng trừ sâu bệnh hại sầu riêng…

50% diện tích có nguy cơ thiếu nước

Diễn biến thời tiết bất thường, nắng nóng kéo dài còn khiến nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện Khánh Sơn có nguy cơ thiếu nước tưới. “Qua kiểm tra, rà soát tại các địa phương, nếu đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 trên địa bàn huyện tiếp tục không mưa thì khoảng 50% trong tổng số gần 2.500ha sầu riêng trên địa bàn sẽ thiếu nước tưới trầm trọng. Các diện tích này chủ yếu nằm ở những khu vực trên đồi cao, xa nguồn nước như ở các thôn: Ka Tơ, Suối Me (xã Ba Cụm Nam); Tha Mang, A Thi (xã Ba Cụm Bắc); Cam Khánh, Du Oai, Ha Nít (xã Sơn Lâm); Ma O, Chi Chay, Tà Nĩa (xã Sơn Trung); Xà Bói, Tà Gụ, Liên Hiệp (xã Sơn Hiệp); Xóm Cỏ, Cô Lắc (xã Sơn Bình)… Những khu vực xảy ra tình trạng thiếu nước tưới dễ dẫn đến tranh chấp nguồn nước giữa các nông hộ”, ông Đỗ Nhi Huy chia sẻ.

Ông Tạ Quốc Phong - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình chia sẻ: “Địa phương có 490ha sầu riêng. Trong đó, có 80ha ở những vị trí xa nguồn nước bị khô hạn; 200ha phải bơm nhiều chặng để tưới. Để ứng phó với nắng hạn, khoảng 90% nhà vườn trên địa bàn đã ứng dụng tưới tiết kiệm nước; địa phương đã tiến hành các biện pháp để tích nước tại các đập dâng, công trình thủy lợi nhỏ để giải quyết một phần nguồn nước tưới cho cây trồng. Trong cao điểm nắng hạn, chúng tôi sẽ lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm nước từ sông Tô Hạp và các suối lớn trên địa bàn lên các vùng hạn…”.

Liên tục trong thời gian gần đây, lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống hạn, thiếu nước tại 8 xã, thị trấn trên địa bàn. Theo đó, lãnh đạo địa phương đã yêu cầu phải ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt của người dân. Đối với nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là cây sầu riêng, các địa phương trên địa bàn cần có kịch bản để điều hành, phân phối nước tưới phù hợp cho các vùng bị ảnh hưởng; tuyên truyền, vận động người dân áp dụng tất cả các biện pháp để tích nước, tưới tiết kiệm cho cây trồng. Bên cạnh đó, các địa phương phải chủ động tổ chức tưới theo cách “những nơi cao, xa nguồn nước tưới trước; thấp, gần nguồn nước tưới sau” để hạn chế hao hụt. Bên cạnh đó, tổ chức nạo vét các đập dâng, hệ thống kênh mương để tích nước, khơi thông dòng chảy; nghiên cứu lắp đặt các trạm bơm dã chiến, bơm chuyền nhiều chặng để đưa nước từ sông Tô Hạp lên tưới cho các khu vực trọng điểm thiếu nước, để giảm thiểu ảnh hưởng của nắng hạn đến cây trồng…

HẢI LĂNG

Trích nguồn "Báo Khánh Hòa"

https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202404/khanh-son-nang-han-anh-huong-lon-den-sau-rieng-8b92f00/