Kỹ Thuật Trồng Trọt

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

03/05/2024

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.

Nơi 95% diện tích sắn áp dụng tưới tiết kiệm

Sắn là cây ít kén đất, ít vốn đầu tư. Từ cây xoá đói giảm nghèo, cây sắn đã có một vị trí nhất định trên bản đồ kinh tế của Việt Nam cũng như trên thế giới. Năm 2023, mặc dù xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn giảm so với năm 2022, nhưng đây vẫn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD.

Sắn là cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập khá cho người dân Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Sắn là cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập khá cho người dân Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Tại Tây Ninh, với đặc thù chủ yếu đất xám pha cát trên nền phù sa cổ phù hợp với cây sắn, nhờ kỹ thuật canh tác tốt, mạnh dạn đầu tư tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là hệ thống tưới tiết kiệm giúp canh tác được quanh năm, năng suất sắn gấp 1,5 lần so với mặt bằng chung cả nước. Từ lâu, sắn đã trở thành cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập khá cho người dân Tây Ninh.

Với điều kiện thời tiết ở Tây Ninh có mùa nắng kéo dài 6 tháng, thời gian trồng đến thu hoạch sắn mất 10 tháng. 3 tháng đầu, sắn rất cần nước tưới nên giải pháp chủ động tưới là điều kiện tiên quyết giúp cây sắn phát triển và đạt năng suất cao. Hiện nay, kỹ thuật tưới cho cây sắn gồm tưới phun, sử dụng béc, phun sương tưới tự động...

Chúng tôi đến thăm ruộng sắn của gia đình anh Nguyễn Văn Chờ (xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh). Không giấu được niềm phấn khởi, anh Chờ cho biết, vụ năm nay năng suất sắn vượt trội, đạt hơn 50 tấn/ha, đem lại lợi nhuận gần 80 triệu đồng/ha, tất cả là nhờ hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước.

Anh Nguyễn Văn Chờ bên ruộng sắn áp dụng công nghệ tưới tự động của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Anh Nguyễn Văn Chờ bên ruộng sắn áp dụng công nghệ tưới tự động của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Theo anh Chờ, cây sắn rất cần nước trong giai đoạn đầu tăng trưởng. Khác với cách canh tác sắn theo kiểu dựa vào nước trời của nhiều địa phương khác, ngay từ rất sớm, anh và nhiều người dân nơi đây đã chủ động tưới. Tuy nhiên trước đây, đa phần bà con sử dụng phương pháp tưới tự chảy rất bất tiện, nguồn nước phân bổ không đồng đều, chỗ thừa, chỗ thiếu, lại rất lãng phí nguồn nước. Những năm gần đây, trong bối cảnh thời tiết diễn biến thất thường, nguồn nước ngày càng khan hiếm, anh đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tiên tiến bằng béc xoay, qua đó giúp tiết kiệm hơn 40% lượng nước, giảm nhân công, giảm chi phí, tăng thu nhập.

“Chi phí đầu tư hệ thống tưới tự động bằng béc xoay mất khoảng 20 triệu đồng/ha. Việc lắp đặt hệ thống này khá đơn giản, quan trọng nhà vườn tự tính toán được nguồn nước phân bổ theo nhu cầu sử dụng của cây, cung cấp đủ, đều giúp cây sinh trưởng phát triển tốt. Mỗi hệ thống có thời gian sử dụng 3 - 5 năm, đặc biệt có thể di dời được nên dù gia đình chỉ đầu tư 1 hệ thống nhưng dùng được cho cả 3ha sắn. Tôi nhận thấy những lợi ích mà chúng mang lại rất nhiều và cũng chỉ cần sau một vụ đã dư sức lấy lại được vốn”, anh Chờ phấn khởi nói.

Ông Dương Thanh Phương (áo trắng) cho biết, năng suất sắn áp dụng tưới tiết kiệm tăng từ 30 - 50% so với không áp dụng tưới.  Ảnh: Trần Trung.

Ông Dương Thanh Phương (áo trắng) cho biết, năng suất sắn áp dụng tưới tiết kiệm tăng từ 30 - 50% so với không áp dụng tưới.  Ảnh: Trần Trung.

Tương tự, tại huyện biên giới Tân Châu - địa phương được xem là thủ phủ sắn của tỉnh Tây Ninh, nhận thấy lợi ích từ hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước mang lại, hiện hầu hết người trồng sắn nơi đây đã áp dụng vào sản xuất. Ông Dương Thanh Phương, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tân Châu phấn khởi biết, hiện địa phương có tổng diện tích cây sắn trên 20.000ha, trong đó trên 95% diện tích đã ứng dụng tưới tự động tiết kiệm nước.

“Các diện tích trồng sắn sử dụng phương pháp tưới tự động đều cho hiệu quả cao. Cụ thể, năng suất sắn tăng từ 30 - 50% so với không áp dụng tưới (sắn không tưới chỉ cho năng suất từ 20 - 25 tấn/ha, diện tích sắn có tưới năng suất có thể đạt 40 - 50 tấn/ha tùy vào mức độ thâm canh). Ngoài ra, việc tưới tự động góp phần giúp rửa trôi nhện, sâu bệnh hại trên cây sắn…”, ông Dương Thanh Phương, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tân Châu cho biết.

Hỗ trợ 50% cho nông dân đầu tư tưới tiết kiệm

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, diện tích sắn của tỉnh liên tục tăng những năm qua. Đến cuối năm 2023, Tây Ninh có trên 60.000ha sắn. Thời gian tới, Tây Ninh sẽ tiếp tục duy trì và phát triển diện tích trồng sắn khoảng 55.000 đến 65.000ha/năm.

Nông dân Tây Ninh chủ động ứng dụng cơ giới hoá vào khâu làm đất, lên luống, kết hợp bón phân hữu cơ giúp đất tơi xốp, tiết kiệm nước tưới. Ảnh: Trần Trung.

Nông dân Tây Ninh chủ động ứng dụng cơ giới hoá vào khâu làm đất, lên luống, kết hợp bón phân hữu cơ giúp đất tơi xốp, tiết kiệm nước tưới. Ảnh: Trần Trung.

Mặc dù là tỉnh có hệ thống thuỷ lợi tương đối hoàn chỉnh, cung cấp nước ngọt dồi dào, rất thuận lợi cho phát triển cây sắn nhưng nguồn nước là hữu hạn. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến mực nước ngầm tại địa phương những năm gần đây có dấu hiệu suy giảm. Tuy nhiên, người dân Tây Ninh rất giàu kinh nghiệm trong sản xuất cây sắn, để ứng phó, bên cạnh ứng dụng tưới tiết kiệm, việc ứng dụng cơ giới hoá vào khâu làm đất, lên luống kết hợp bón phân hữu cơ giúp tăng độ tơi xốp, giữ nước và độ ẩm được duy trì tốt. Đây cũng là giải pháp mà người trồng sắn Tây Ninh đã và đang thực hiện đem lại kết quả tích cực.

Bên cạnh các giải pháp trên, việc canh tác các bộ giống sắn mới có khả năng kháng bệnh khảm lá, chống hạn tốt như HN1, HN3, HN5… và thay đổi phương pháp trồng cũng là bí quyết để người trồng sắn Tây Ninh vượt qua đại hạn. Theo đó, thay vì trồng nằm theo truyền thống, hiện nhiều người dân đã áp dụng phương pháp trồng đứng. “Nếu trồng nằm, củ sắn chỉ phát triển một bên gốc. Còn trồng hom đứng, củ sắn ra đều xung quanh gốc, số lượng củ tăng nhiều, đồng thời giúp cây chống gãy đổ, đặc biệt ít sử dụng nước hơn", một nông dân nhiều kinh nghiệm trồng sắn tại Tây Ninh cho hay.

Việc đưa các giống sắn mới có khả năng kháng bệnh khảm lá, chống hạn tốt như HN1, HN3, HN5… và thay đổi phương pháp trồng cũng là bí quyết để người trồng sắn Tây Ninh vượt qua đại hạn. Ảnh: Trần Trung.

Việc đưa các giống sắn mới có khả năng kháng bệnh khảm lá, chống hạn tốt như HN1, HN3, HN5… và thay đổi phương pháp trồng cũng là bí quyết để người trồng sắn Tây Ninh vượt qua đại hạn. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam, sắn là cây trồng có khả năng chịu hạn và nhu cầu nước ít hơn các cây khác, nhưng việc tưới nước giúp cây sắn phát triển nhanh, năng suất và chữ bột cao, tăng vụ. Để nhân rộng mô hình tưới sắn ra diện rộng, nhà nước cần hỗ trợ kỹ thuật tiên tiến như giống, tưới tiết kiệm nước, đặc biệt là hỗ trợ kết nối doanh nghiệp tiêu thụ sắn ổn định. Các nhà máy chế biến sắn cần xây dựng cơ chế phối hợp với các hộ trồng sắn theo chuỗi giá trị thông qua hợp đồng, hỗ trợ bà con đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước, tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo sự ổn định lâu dài cho nông dân trồng sắn…

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, HĐND tỉnh Tây Ninh mới đây đã ban hành Nghị quyết số 29 quy định mức hỗ trợ phát triển hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhà nước sẽ hỗ trợ 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/ha. Hỗ trợ 50% chi phí để san phẳng đồng ruộng, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/ha.

Điều kiện hỗ trợ: Đối với cá nhân, diện tích khu tưới tối thiểu 0,3ha, việc hỗ trợ cho cá nhân được thông qua tổ chức thuỷ lợi cơ sở. Đối với tổ chức thuỷ lợi cơ sở, diện tích khu tưới tối thiểu 2ha và có hợp đồng liên kết với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất.

Với sự hỗ trợ từ chính sách của nhà nước, ngành sắn Tây Ninh nói riêng, cả nước nói chung sẽ tiếp tục giữ vững vị thế. Ảnh: Trần Trung.

Với sự hỗ trợ từ chính sách của nhà nước, ngành sắn Tây Ninh nói riêng, cả nước nói chung sẽ tiếp tục giữ vững vị thế. Ảnh: Trần Trung.

Hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phục vụ các cây trồng chủ lực do UBND tỉnh quy định. Về cơ chế hỗ trợ, ngân sách tỉnh thực hiện hỗ trợ sau đầu tư như sau: Khi khối lượng công việc được nghiệm thu đạt 60%, được giải ngân 50%; khi khối lượng công việc nghiệm thu đạt 100%, được giải ngân 100%.

“Những năm gần đây giá mủ cao su liên tục sụt giảm, trong khi giá tinh bột sắn khá ổn định. Nếu người dân trồng sắn bài bản, đầu tư đúng mức, áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến thì lợi nhuận có thể lên đến 40 – 50 triệu đồng/ha.

Với hiệu quả từ mô hình tại tỉnh Tây Ninh, các vùng miền khác như miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh Đông Nam Bộ cũng đã và đang học tập kinh nghiệm thực hiện. Kỳ vọng với sự hỗ trợ từ chính sách của nhà nước, ngành sắn Tây Ninh nói riêng, cả nước nói chung sẽ tiếp tục giữ vững vị thế”, ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh.

Trần Trung - Trần Phi

Trích nguồn "Báo Nông nghiệp VN"

https://nongnghiep.vn/nang-suat-san-tang-30--50-nho-tuoi-tiet-kiem-d378120.html